Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu có hành vi “găm hàng” không muốn bán ra ngoài, chờ tăng giá.
Giải quyết thiếu xăng dầu
Ảnh Minh họa
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian qua, hiện đang chạy ở mức 55-60% công suất. Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%. Dự kiến trong tháng 3, nhà máy này sẽ cung cấp khoảng hơn 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3).
“Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, nhà máy này sẽ sản xuất 100% công suất, tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối, đặc biệt trong tháng 5, chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất... Đây là vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Quan điểm là không để thiếu xăng, đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Trần Duy Đông nói.
Trong khi đó, thời gian qua, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã tăng thêm 5% công suất. Nguồn cung xăng dầu trong nước tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong nước tháng 2/2022 khoảng 2,39 triệu m3. Như vậy, Bộ Công Thương đánh giá: “Nguồn cung ứng này đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3”.
Ông Trần Duy Đông cho biết, thời gián tới, lượng tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang vẫn đảm bảo, cùng với việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15/3/2022 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời, các thương nhân đầu mối sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đảm bảo lượng cung ứng như kế hoạch.
Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thêm và dự kiến cuối tháng 2/2022 sẽ về khoảng 66.000 m3 xăng dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập khẩu 300.000 m3 xăng dầu; Công ty Hải Hà nhập khẩu khoảng 90.000 m3 dầu... Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000 m3.
“Với tình hình cung ứng như vậy, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản sẽ ổn định”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá.
Xử lý nghiêm hành vi “găm hàng”
Để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, ngoài việc yêu cầu các đơn vị đầu mối tăng cường nhập khẩu, nâng công suất sản xuất, Bộ cũng tập trung xử lý nghiêm các hành vi “găm hàng”, chờ tăng giá.
Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trường hợp phát hiện sai phạm, xử lý theo quy định.
Ở cấp địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương, đồng thời phối hợp với các lực lượng như công an, hải quan, ban chỉ đạo 389 địa phương làm tốt việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống.
“Các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông, thực hiện nghiêm túc việc bán hàng theo thời gian đã đăng ký, không để xảy ra hiện tượng “găm hàng” hay hạn chế bán ra trong hệ thống, gây ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân”, ông Trần Duy Đông thông tin.
Đặc biệt trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh quỹ bình ổn có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Vụ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng các chính sách nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân, ở vấn đề xăng dầu chúng ta chưa dùng nguồn lực nhà nước, mà mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn, vì vậy có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế phí khác”.
Theo Tin tức TTXVN