ClockThứ Bảy, 25/08/2018 10:41

Để thép Việt tránh các vụ kiện thương mại

Để tránh các vụ kiện thương mại, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần tìm hiểu thị trường xuất khẩu đồng thời phải bảo vệ thị trường trong nước.

“Chóng mặt” vì bị kiện

Từ ngày 16/7-9/8, thép Việt đã bị khởi kiện phòng vệ thương mại và áp thuế tự vệ tạm thời từ 7 thị trường (gồm Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Hoa Kỳ, Liên minh kinh tế Á - Âu, Ấn Độ) với 8 vụ kiện. Riêng thị trường Hoa Kỳ, chỉ cách nhau vài ngày, thép Việt đã liên tiếp hai lần bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC).

Cụ thể, ngày 18/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu (NK).

Sản phẩm thép của Việt Nam bị áp dụng biện pháp với 3 nhóm sản phẩm gồm: Thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thép Việt đối mặt với 8 vụ kiện.

Ngày 20/7, Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon (CWP) có xuất xứ hoặc NK từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Ngày 24/7, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc NK từ Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày 27/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế CTC đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) NK từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với thép CORE NK từ Hàn Quốc và thuế CBPG đối với thép CORE NK từ Đài Loan.

Tiếp sau đó, ngày 2/8, DOC lại khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế CTC đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội (CRS) NK từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với thép CRS NK từ Hàn Quốc.

Ngày 7/8, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEC) đã ra thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép hợp kim và không hợp kim. Mới đây nhất, ngày 9/8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) - thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc NK từ Trung Quốc và Việt Nam.

Tại một cuộc hội thảo mới đây về phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong số 78 vụ kiện về chống bán phá giá hai năm gần đây mà Việt Nam phải đối mặt, có tới 37 vụ liên quan tới ngành thép. Nếu tính trên các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp thì số vụ liên quan đến ngành thép còn cao hơn.

Trang bị kiến thức về các luật quốc tế

Theo nhiều chuyên gia về phòng vệ thương mại, nguyên nhân ngành thép bị kiện là do đây là mặt hàng thiết yếu có khả năng tác động lớn tới sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành thép của Việt Nam phát triển quá nóng nhưng chưa trang bị đầy đủ để tham gia “cuộc chơi toàn cầu”, cạnh tranh với thép ngoại vẫn chỉ là giá thành sản xuất.

Phần lớn doanh nghiệp bị điều tra là do chưa am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Một rủi ro nữa, doanh nghiệp ký hợp đồng rất sơ sài và thường không sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Lý giải về việc thép Việt liên tục bị kiện, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, do phong trào bảo hộ thương mại trên thế giới ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, ngành thép Việt tăng trưởng nhanh. Ngoài mở rộng tại thị trường trong nước, XK thép cũng đạt những kết quả tốt. Ví dụ, năm 2016, Việt Nam XK đạt 3,6 triệu tấn thép và năm 2017 XK đạt 4,7 triệu tấn thép. Năm nay, với đà XK đạt được nửa đầu năm, nếu không bị ngăn cản bởi các vụ kiện phòng vệ thương mại, XK thép hoàn toàn có thể đạt con số trên 5 triệu tấn. Việc XK với tốc độ tăng trưởng nhanh khiến thép Việt bị các nước chú ý, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp thép chia sẻ, để tránh bị kiện, doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu kỹ, xây dựng chiến lược kinh doanh thận trọng. Cần trang bị kiến thức về các luật lệ quốc tế để có ứng xử phù hợp. Hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của nước khởi kiện - trả lời các bảng câu hỏi - nhằm minh bạch thông tin để chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Chẳng hạn, chứng minh thép nền để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh không có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không được trợ cấp, không phá giá. Doanh nghiệp cần có bộ phận pháp chế chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các vụ kiện để quản lý rủi ro.

Ông Sưa cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp nên chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời nắm bắt kỹ những thay đổi về pháp luật của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp XK cần nghiên cứu, bố trí thị trường XK hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng XK tăng đột biến, tạo cớ cho các nước NK tiến hành khởi xướng điều tra. Ngoài ra, các doanh nghiệp XK thép cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế, tránh rủi ro có thể xảy ra.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Thép Việt liên tiếp bị kiện

Thương vụ VN tại Úc cho biết UB Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) Úc vừa ra quyết định điều tra với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu VN, Ấn Độ và Malaysia.

​Thép Việt liên tiếp bị kiện

TIN MỚI

Return to top