Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn tương tác và giải đáp những thắc mắc, định hướng tốt cho thanh niên, người lao động
Chế độ, chính sách bảo hiểm được quan tâm
Phát biểu tại chương trình đối thoại, ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là chương trình rất hữu ích giúp các doanh nghiệp (DN) cũng như người dân hiểu rõ hơn, tiếp cận chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như pháp luật về lao động, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của DN và người dân...
Dù tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng vẫn còn tác động đến người dân, nhất là người lao động. Để vượt qua một phần khó khăn, nhiều người thắc mắc về thủ tục cần làm để được hưởng chế độ BHXH khi bị nhiễm COVID-19 (F0) cũng như các chương trình hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ cùng người lao động vượt qua đại dịch từ phía các cấp, ngành, đơn vị... Liên quan đến chế độ BHXH, ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin, tính đến nay, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau cho người lao đang tham gia BHXH bị F0 cho gần 15.000 lượt người với số tiền trên 15 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ, LĐLĐ tỉnh ban hành nhiều văn bản về chăm lo cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) bị ảnh hưởng dịch bệnh và hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19. LĐLĐ tỉnh tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Quyết định 08 về thực hiện các chế độ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNVCLĐ, nhất là việc chi trả chế độ hỗ trợ cho người lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Lan tỏa chương trình "Chung tay phòng chống COVID-19"; chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 7,1 tỷ đồng cho 9.323 CNLĐ. Các cấp công đoàn hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa gần 100 "Mái ấm Công đoàn" cho các đoàn viên hoàn cảnh khó khăn thuộc các cấp công đoàn với tổng trị giá 3 tỷ đồng.
Những ngành nghề, lĩnh vực cần nguồn lao động lớn
Xoay sang vấn đề việc làm và định hướng nghề, một học sinh đặt câu hỏi và mong muốn được tư vấn sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, các em nên học những ngành nghề gì để có việc làm ngay, có thu nhập ổn định giúp đỡ gia đình và bản thân trong thời buổi khó khăn hiện tại.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH đi thẳng vào vấn đề: Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở 4 trụ cột là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, sắp đến thị trường lao động cần người làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực như: công nghệ thông tin; du lịch - dịch vụ; kỹ thuật, công nghệ như hàn, cơ khí, điện khí, công nghệ ô tô; các ngành thuộc lĩnh vực y tế như: điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học, dược. Riêng các ngành như hàn, cơ khí, điện khí, công nghệ ô tô; điều dưỡng, hộ sinh còn có cơ hội tham gia đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đu Bai… Những nghành nghề này đều có sẵn cơ sở đào tạo trên địa bàn.
Nhiều bạn trẻ quan tâm đến ngành nghề,lĩnh vực sẽ dễ tìm được việc làm sau khi học xong
Trả lời câu hỏi của một thanh niên đang quan tâm đến những vị trí việc làm, ngành nghề cần tuyển dụng lao động lớn tại các KKT, CN tỉnh để cá nhân em và nhiều bạn học có thể định hướng theo học đúng nghề, chọn việc đúng địa chỉ, ông Nguyễn Công Bình, Phó Trưởng BQL KKT, CN tỉnh đồng quan điểm với những ngành nghề, lĩnh vực sẽ là thế mạnh của tỉnh như Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hồ Dần đã chia sẻ. Ngoài ra, theo ông Bình, nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn 2021-2025 của các DN ở KKT và các KCN ước khoảng 15.000- 7.000 người. Trong đó, nhóm ngành may mặc, sợi và lĩnh vực phụ trợ dệt, nhuộm cần khoảng 5.000-8.000 lao động. Các ngành liên quan đến điện - kỹ thuật; cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô cần khoảng 5.000- 5.500 người. Lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin sẽ cần khoảng 800- 1.000 người và lĩnh vực du lịch - dịch vụ, nhà hàng, khách sạn cần 1.500- 2.000 lao động.
Ngoài ra, các ngành thuộc lĩnh vực như: sản xuất thiết bị y tế, chế tạo đồ chơi trẻ em; ngành sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới; kế toán, văn phòng; biên phiên dịch tiếng Trung, Hàn, Nhật; ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống... cũng là một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều trong thời gian tới.
Cũng liên quan đến chính sách thu hút và giữ chân người lao động làm việc tại KKT Chân Mây- Lăng Cô, ông Nguyễn Công Bình cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện đi lại cho người lao động, Sở Giao thông Vận tải đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án "Điều chỉnh phương thức hoạt động, tối ưu hóa mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh - giai đoạn 2", trong đó có tuyến xe buýt hoạt động về KKT Chân Mây - Lăng Cô. Mặt khác, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đã rất chủ động tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân về làm việc tại nhà máy. Ngoài ra, BQL cũng sẽ phối hợp với LĐLĐ tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng dự án nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cho người lao động để người lao động yên tâm về làm việc, gắn bó lâu dài tại các DN trong KKT.
Các chính sách nâng cao trình độ tay nghề, lợi ích khi tham gia đóng BHXH hay hỗ trợ cho người tốt nghiệp THCS khi tham gia học trường nghề và an toàn vệ sinh lao động... cũng là những vấn đề được nhiều lao động, học sinh, DN quan tâm và được giải đáp rõ tại buổi đối thoại cũng như được tư vấn, định hướng những chính sách có lợi nhất cho những đối tượng tham gia.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG