Ngay sau khi chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ niềm vui mừng khi đất nước chính thức gia nhập một sân chơi hội nhập mang tính toàn cầu, đồng thời mong muốn tới đây sẽ có những cơ chế, chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội từ Hiệp định.
|
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào cơ hội từ Hiệp định TPP
|
Thông tin Hiệp định TPP vừa được ký kết chính thức thực sự là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong những ngày đầu năm mới. Hiệp định TPP được kỳ vọng mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản với các sản phẩm trọng điểm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% theo cam kết TPP, riêng ngành dệt may, da giầy có khả năng tăng trưởng ít nhất 20%. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định này cần khẩn trương có những bước chuẩn bị cụ thể.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết: “Nhận được thông tin Việt Nam chính thức ký hiệp định TPP vào hôm nay, tôi cho rằng đây là một tín hiệu rất đáng vui mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may, da giầy nói riêng. Tôi tin rằng, hiệp định này mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội xuất khẩu rất lớn. Nhưng muốn hưởng được thuế ưu đãi thuế 0%, thì doanh nghiệp dệt may, da giầy phải đáp ứng yêu cầu về quy định xuất xứ. Muốn vậy thì phải thay đổi ít nhất trong vòng 5 năm tới, trước mắt cũng phải có định hướng sản xuất để chủ động được nguồn nguyên liệu”.
Khi hiệp định TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu những mặt hàng nguyên liệu như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… trong khối TPP với giá rẻ hơn do thuế nhập khẩu sẽ về 0%. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng sẽ gặp không ít thách thức đòi hỏi phải sơm tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất để vững vàng hơn trong hội nhập.
Ông Ngô Tiến Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho rằng, tất cả các doanh nghiệp sẽ tham gia sân chơi hội nhập mang tính chất toàn cầu. Khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành nông nghiệp cũng phải gia nhập theo chuỗi sản xuất hàng hóa của họ. Đối với những doanh nghiệp công nghệ cao, chẳng hạn doanh nghiệp sản xuất sữa bột gia nhập TPP, các nước trong TPP như Mỹ, Úc, Newzeland là những nước có thế mạnh lớn về sản xuất sữa, mà sữa bột trên thị trường thế giới rất rẻ.
Theo ông Dũng, gia nhập TPP, nếu không có chính sách tốt thì sẽ hạn chế ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp tư nhân đang bị cạnh tranh rất lớn. Nếu không có chính sách hỗ trợ hoặc tạo môi trường đầu tư thích hợp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân không có nội lực phát triển.
Với thị trường bán lẻ, hội nhập vào sân chơi TPP cũng đặt ra nhiều thách thức khiến các doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn để chiếm lĩnh thị trường. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư mua bán sáp nhập, đây là xu hương đang nổi lên mạnh mẽ.
“Sức nóng hội nhập đang phả rất mạnh vào thị trường bán lẻ. Nếu doanh nghiệp không nắm được thông tin, dễ bị thua thiệt dần dần bị thôn tính, nếu không học được gì từ công nghệ quản lý kinh doanh, dự báo tình hình thì rất là nguy cơ. Thành viên TPP hiện có Nhật, Hàn Quốc... đã đầu tư rất mạnh mẽ vào Việt Nam. Các nhà bán lẻ Mỹ cũng đang thăm dò và chắn chắn sẽ vào. Điểm yếu của bán lẻ Việt Nam là chiến lược kinh doanh, vốn vay cao, nhân lực yếu, liên kết yếu. Do đó cần khắc phục các điểm yếu này. Nhà nước cũng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại, giảm vốn vay, chi phí lưu thông, để doanh nghiệp bán lẻ có thể trụ vững được,” ông Phú nói.
Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực từ năm 2018. Thời gian không còn nhiều, do đó ngay từ bây giờ, cần thiết phải có những chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệp định. Về phía doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị những bước đi cụ thể để vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế lớn từ hiệp định này.
Theo VOV