ClockChủ Nhật, 27/03/2022 16:51

Đồng hành khôi phục kinh tế địa phương

TTH - Ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, đồng hành cùng địa phương trong khôi phục và phát triển kinh tế. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần.

Gắn mục tiêu kinh doanh với tăng trưởng kinh tế địa phương

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

Theo ông Phạm Bá Nam, hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế. Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, với tinh thần nỗ lực, chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và người dân; thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch, đồng thời góp phần phục hồi kinh tế phù hợp với đặc thù và tính chất cấp bách của tình hình địa phương.

Giảm lãi suất là một trong những giải pháp tích cực mà ngành Ngân hàng đã triển khai, thưa ông?

Ngay khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 1,5 - 2%/năm. Và trong năm 2021, NHNN duy trì các mức lãi suất thấp này, kết hợp điều hành thanh khoản dồi dào trên thị trường tiền tệ với lãi suất huy động và cho vay VND bình quân của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm tương ứng khoảng 0,51%/năm và 0,81%/năm so với cuối năm 2020 sau khi đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ là 4,3%/năm (thấp hơn mức trần quy định là 4,5%/năm).

Với chính sách gia hạn, giảm lãi các khoản vay hiện hữu?

Các TCTD trên địa bàn cũng đã thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung. Hiện đã có l6 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện đồng thuận giảm lãi suất từ 0,5%-1,5% đối với các khoản vay hiện hữu kể từ 15/7/2021 đến hết năm 2021. Các chi nhánh NHTM và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.938 khách hàng với dư nợ cơ cấu 1.728 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất đối với 51.781 khách hàng với tổng dư nợ là 24.784 tỷ đồng; số tiền lãi đã được miễn, giảm, hạ lãi suất là 74,87 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cũng gia hạn nợ 1.124 khách hàng được gia hạn nợ với tổng dư nợ là 22,4 tỷ đồng.

Vốn được xem là động lực để doanh nghiệp (DN) đầu tư, phục hồi kinh tế. Vậy các chính sách hỗ trợ cho vay mới được triển khai ra sao?

Trong năm 2021, các TCTD đã cho vay mới khôi phục sản xuất 7.045 khách hàng (gồm 670 DN) với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến cuối năm 2021 là 38.702 tỷ đồng. Trong năm, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 63.287 tỷ đồng, tăng 22,02% so với cuối năm 2020 (tương ứng tăng 11.420 tỷ đồng). Đây là mức tăng trưởng khá cao so với 5 năm trở lại đây.

Agribank triển khai gói hỗ trợ khách hàng ngay từ đầu năm 2022

Đồng thời, NHCSXH cũng thực hiện chương trình cho vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động của 2 DN với doanh số cho vay là 444 triệu đồng và số lao động được chỉ trả là 219 người; cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với 5 DN với số vốn đạt 1.491 triệu đồng và số lượt lao động được chỉ trả là 466 lượt.

Đầu năm 2022, các TCTD đều triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, linh hoạt và phù hợp cho tất cả đối tượng khách hàng, tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn hấp dẫn từ 4,0%/năm dành cho những khách hàng có phương án kinh doanh khả thi, khả năng quay vòng vốn nhanh. Năm 2022 với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%/năm trên toàn tỉnh, tương đương tăng ròng gần 9.000 tỷ đồng, tôi tin rằng đây là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Các giải pháp tài chính trên đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế địa phương trong năm qua. Với mục tiêu đồng hành cùng địa phương, DN trong khôi phục kinh tế, ngành Ngân hàng có những định hướng nào nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp?

NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ DN, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Trong điều hành chính sách tiền tệ, chi nhánh sẽ bám sát điều hành của NHNN, chương trình phục hồi kinh tế và phát triển của Chính phủ, tỉnh để thực hiện mục tiêu đồng hành cùng địa phương trong khôi phục và phát triển kinh tế.

Trong đó, tiếp tục tập trung vốn cho DN, đặc biệt là hỗ trợ các DN gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tập trung hướng các dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện khai thác tối đa các nguồn lực trong nền kinh tế thông qua các TCTD để góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ hiện nay.

Với vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế, ngay từ bây giờ, ngành Ngân hàng đã tích cực chuẩn bị các phương án thích ứng để sẵn sàng tiếp sức DN khôi phục sản xuất.

Các giải pháp mà NHNN sẽ triển khai nhằm tiếp tục đồng hành trong khôi phục kinh tế?

Năm 2022, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ bám sát các nhiệm vụ theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 của Thống đốc NHNN; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch số 01/QĐ-UBND ngày 1/1/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo đó, tập trung chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Đặc biệt, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình, hạn chế đô la hóa nên kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn ngân hàng. Tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp quản lý hoạt động của TCTD và các QTDND, giải pháp xử lý những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các cấp trong triển khai tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Đồng thời sẽ là đầu mối thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngành ngân hàng gắn liền đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Xin cảm ơn ông!

HOÀNG LOAN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
MISA AMIS Kế toán: Người bạn đồng hành tin cậy của doanh nghiệp trong thời đại số

Chuyển đổi số đang là một làn sóng mạnh mẽ, tác động đến mọi ngành nghề, và lĩnh vực quản trị tài chính kế toán cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thích ứng với cuộc cách mạng số, phần mềm kế toán MISA đang khẳng định vị thế là người bạn đồng hành tin cậy, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị tài chính, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trong thời đại mới.

MISA AMIS Kế toán Người bạn đồng hành tin cậy của doanh nghiệp trong thời đại số
Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
25 năm đồng hành cùng A So: “3 bám, 4 cùng, 6 xóa”

Gần 25 năm kiên trì gắn bó với vùng biên giới A So, huyện A Lưới, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 92 - Quân khu 4 không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

25 năm đồng hành cùng A So “3 bám, 4 cùng, 6 xóa”
Return to top