ClockThứ Ba, 15/03/2022 14:00

Đồng hành và hiệu quả

TTH - Phát huy vai trò trong hoạt động tín dụng, Hội Cựu chiến binh huyện Phú Vang hỗ trợ hội viên và người dân tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế.

Chủ trang trại cựu chiến binh

Theo ông Phạm Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Phú Vang, những năm gần đây, đẩy mạnh hoạt động ủy thác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách là nội dung quan trọng xuyên suốt trong kế hoạch hoạt động hàng năm của hội.

Sau khi Huyện ủy Phú Vang quán triệt Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Hội CCB các cấp của huyện đã đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang tổ chức nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phát huy ngày càng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Nhờ các nguồn vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thông qua “kênh” Hội CCB, trên địa bàn huyện Phú Vang đã hình thành nhiều mô hình làm kinh tế giỏi. Điển hình là mô hình sản xuất kinh doanh mộc dân dụng của hội viên Nguyễn Công Luyện (xã Vinh Thanh). Được vay vốn chương trình tạo việc làm, ông Luyện đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động. Với vốn vay từ  NHCSXH, ngư dân Nguyễn Văn Ái đầu tư ngư lưới cụ, “vươn xa” trong hoạt động khai thác biển, đánh bắt xa bờ, doanh thu mỗi chuyến đánh bắt khoảng 300 triệu đồng, tạo thu nhập thường xuyên, ổn định cho bản thân và 9-10 bạn thuyền.

“Ngoài ra, mô hình nuôi trồng thủy sản của hội viên Nguyễn Ngọc Thủy (xã Phú Xuân), mô hình kinh doanh thủy, hải sản của hội viên Nguyễn Văn Tý (xã Phú Diên), mô hình sản xuất gia trại của hội viên Phan Huy Chương (xã Vinh An) và rất nhiều mô hình của các hộ vay khác phát huy hiệu quả từ vốn vay của  NHCSXH. Để có kết quả này là nhờ nỗ lực của các hộ vay, sự đồng hành quản lý sát sườn của các tổ tiết kiệm và vay vốn, để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích” - ông Phạm Đức Nhuệ cho biết.

14/14 hội cựu chiến binh các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Vang đều đã hoàn thành ký hợp đồng ủy nhiệm với NHCSXH huyện. Hiện nay, hội đang quản lý 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, với gần 500 hội viên được tham gia vay vốn. Toàn bộ các tổ tiết kiệm và vay vốn đều đạt chất lượng hoạt động tốt theo các tiêu chí đánh giá của ngân hàng.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2022, Hội CCB huyện Phú Vang tiếp tục xây dựng mục tiêu “Phấn đấu nâng mức quản lý vốn vay của các tổ tiết kiệm và vay vốn đạt bình quân trên 1 tỷ đồng, đồng thời tăng mức đầu tư cho vay bình quân đối với các hội viên có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả phục hồi kinh tế do dịch COVID-19”. Ông Phạm Đức Nhuệ cho hay, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hội sẽ chú trọng vào công tác hướng dẫn ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra sử dụng vốn vay…, từ đó chất lượng tín dụng được nâng lên, để hoạt động ủy thác ngày càng hiệu quả. Từ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này, hội viên tin vào vị trí, vai trò và thông qua “kênh” hội cựu chiến binh để vay vốn, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương.

Ông Đào Bá Thuận, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của Hội CCB quản lý đạt 16.426 triệu đồng, tăng so với đầu năm 553 triệu đồng. So với thời điểm bàn giao địa bàn hành chính 30/6/2021 (bàn giao 5 xã, thị trấn) thì dư nợ quản lý tăng 1.618 triệu đồng. Số khách hàng vay vốn tăng 27 khách hàng, dư nợ bình quân đạt 35,9 triệu đồng, tăng 2,9 triệu đồng.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh - Quyết Thắng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống

Ngày 25/6, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị tập huấn Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh.

Sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống
Mạnh dạn đột phá, tăng gia hiệu quả

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công tác hậu cần nói chung và tăng gia sản xuất (TGSX) nói riêng đối với việc cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác này bằng những nội dung, biện pháp thiết thực và thu được kết quả tích cực.

Mạnh dạn đột phá, tăng gia hiệu quả
Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, kinh tế trang trại, gia trại với những chính sách cụ thể, thiết thực. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế kết hợp tại miền núi
Trao xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật

Sáng 21/6, Hội Người Khuyết tật (NKT) – Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức chương trình trao tặng và tập huấn kỹ năng sử dụng xe lăn, xe lắc và khung tập đi cho NKT.

Trao xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật
Đồng hành vượt khó

Là người đứng đầu phong trào phụ nữ địa phương, họ luôn trăn trở xây dựng những mô hình hay, phong trào thiết thực để tập hợp hội viên, cùng nhau chung tay chia sẻ giúp đỡ hội viên (HV) khó khăn vươn lên.

Đồng hành vượt khó
Return to top