Sản phẩm được thương mại hóa từ các kết quả nghiên cứu khoa học
Tiềm năng lớn nhưng ứng dụng chưa nhiều
Nếu tính từ khi Liên hiệp các hội KHKT tỉnh phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các hội thi, cuộc thi, giải thưởng như: Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Giải thưởng Sáng tạo KHCN, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng đến nay, có hơn 2.000 đề tài, công trình, giải pháp nghiên cứu khoa học tham gia và có nhiều đạt giải cao cấp quốc gia. Chưa kể còn rất nhiều luận văn của tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp II... là những đề tài đã được phản biện và rất nhiều đề tài trong các thư viện của các trường đại học... hoàn toàn xứng đáng là những đề tài có thể đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn lại thành quả đem lại từ các kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng chuyển giao, thương mại hóa, phục vụ cuộc sống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiều.
GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh cho rằng, hoạt động KHCN của tỉnh đã không còn trầm lắng như trước mà đang rất sôi động. Nhưng thực tế, bên cạnh những đề tài, công trình nghiên cứu, dự án KHCN sau khi nghiệm thu được ứng dụng thực tiễn, vẫn còn nhiều kết quả nghiên cứu khoa học còn nằm trong ngăn tủ.
Hội thảo đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Kim Tùng cũng thừa nhận, cho đến thời điểm hiện tại, tuy có nhiều công trình nghiên cứu về ứng dụng KHCN, nhưng các kết quả đề tài chỉ dừng lại ở các thử nghiệm hoặc mô hình với mức độ tác động nhỏ trong phạm vi ngân sách, chưa có nhiều ứng dụng được chuyển giao nhân rộng mô hình trong thực tiễn có hiệu quả. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho kết quả tốt và rất có ý nghĩa nhưng chưa kết nối được giữa DN và nhà khoa học, chưa kêu gọi, thu hút được DN tham gia nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Ông Kim Tùng chỉ ra, số DN tham gia chủ trì các nhiệm vụ rất ít, trong khi chính DN mới thực sự duy trì việc ứng dụng công nghệ từ kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả. Các DN chưa có sự bức phá trong trong đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Số dự án phát triển tài sản trí tuệ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
còn ít, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ từ kết quả nghiên cứu bằng ngân sách nhà nước cũng như sáng kiến, cải tiến được công nhận trên địa bàn vẫn còn rất hạn chế so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ.
Cần những "cú hích" lớn
Ông Trần Tuấn, đại diện DN KHCN và nguyên là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh chia sẻ, khó khăn lớn nhất là về vốn, tiếp đến là về nhân lực, lực lượng marketing, sản xuất, kinh doanh những sản phẩm KHCN. DN của ông có nhiều sản phẩm rất hữu ích và đã phục vụ nhu cầu khách hàng như máy lọc nước, hệ thống xử lý nước thải, sơn chống thấm..., nhưng chỉ tiêu thụ nhỏ giọt.
Ông Trần Tuấn, đại diện doanh nghiệp KHCN mong muốn hợp tác với những nhà sản xuất lớn để phát triển quy mô sản phẩm
Theo ông Tuấn, việc thành lập DN KHCN đã khó, để đưa sản phẩm KHCN ra thị trường càng khó hơn. Nên ngoài những chính sách ưu đãi của Nhà nước, còn cần sự chung tay, "chất xúc tác" từ nhiều phía để kết quả nghiên cứu KHCN cũng như sản phẩm KHCN được thương mại hóa mạnh mẽ.
Đại diện Hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tỉnh cũng chia sẻ tại hội thảo về giải pháp "Ứng dụng chuyển đổi số cho DN", một trong những kết quả nghiên cứu đem lại hiệu quả thiết thực. Giải pháp này nhắm vào xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số cho DN, cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, đồng hành cùng các DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn. Công trình nghiên cứu này góp phần hình thành hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Khả năng ứng dụng của công trình rất cao, song đến nay, số DN khách hàng vẫn còn khiêm tốn.
Chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng
Tương tự khó khăn chung, công trình "Nghiên cứu ứng dụng kết quả đề tài tổng hợp vật liệu nano bạc để sản xuất một số sản phẩm hóa mỹ phẩm" của TS. Lê Quang Tiến Dũng, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã sản xuất ra một số sản phẩm hóa mỹ phẩm kháng khuẩn; sản phẩm giúp làm lành vết bỏng, vết thương, lỡ loét, côn trùng đốt; sản phẩm khử mùi; sản phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên, để thương mại hoá sản phẩm của mình, bản thân TS. Lê Quang Tiến Dũng phải tự đi tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường.
Hội thảo còn có các tham luận về "Thúc đẩy năng lực phát triển DN công nghệ tại Thừa Thiên Huế thông qua đổi mới sáng tạo" của TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tỉnh và "Vai trò của Liên hiệp hội trong việc thúc đẩy ứng dụng chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh" đều hướng đến mục tiêu tìm kiếm cơ hội, tạo dựng cơ sở để hỗ trợ các nhà khoa học, các nhà sáng chế đưa những thành quả nghiên cứu của đề tài đi vào cuộc sống.
Hội thảo còn đặt ra giải pháp kết nối giữa nhà sáng chế với các DN, các chương trình, chính sách liên quan...để thúc đẩy, nhân rộng các giải pháp sáng tạo khoa học, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống. Qua đó thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KHCN.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG