ClockThứ Sáu, 13/08/2021 09:47

Gần 117.000 tỷ đồng tiền nợ thuế: Có hay không sự buông lỏng kiểm tra, giám sát?

Trong khi nguồn thu ngân sách đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 7/2021 lên tới 116.891 tỷ đồng, số nợ đọng thuế có nguy cơ mất trắng là 25.294 tỷ đồng.

Mỹ thúc đẩy G20 áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầuCơ quan thuế đã chủ động thông báo cho các trường hợp nợ tiền sử dụng đất

Nợ thuế có xu hướng gia tăng

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2021 là 116.891 tỷ đồng. Số nợ này giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 22,8% so với thời điểm 31/12/2020.

Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/7/2021 ước khoảng 105.997 tỷ đồng (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 28,5% so với thời điểm 31/12/2020).

Tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2021 là 116.891 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 60.395 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ. Tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nợ có khả năng thu (tính 0,03%/ngày trên số thuế chậm nộp) là 20.108 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đến hết tháng 7, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 25.294 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2020 do cơ quan Thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp và đang lây lan nhanh tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác thu ngân sách trong thời gian tới. Bởi riêng 22 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội số thu ngân sách đã chiếm khoảng 64% tổng thu ngân sách.

“Mặc dù tiến độ thu nợ thuế đạt khá so với chỉ tiêu được giao (cao hơn khoảng 4%). Tuy nhiên, trong năm 2021 liên tiếp xảy ra các đợt bùng phát dịch với diễn biến phức tạp, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ thuế”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Cần quy trách nhiệm của người đứng đầu

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ thuế là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cũng có tình trạng một số doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế nhưng lấy cớ dịch bệnh để kêu khó khăn, do đó, cần phải xem xét nguyên nhân cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp.

“Nợ thuế thể hiện sự trì trệ của ngành Thuế, để lưu từ năm này qua năm khác nhân cơ hội dịch bệnh cộng thêm vào nữa. Do đó, cần phải xem xét các doanh nghiệp nợ hàng năm, quyết toán báo cáo lỗ lãi thế nào, kết quả hoạt động kinh doanh thực sự ra sao”, PGS. TS. Ngô Trí Long nói.

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Theo ông Long, nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân, song nhà nước phải có trách nhiệm sử dụng đồng thuế đó hiệu quả, công bằng. Người nộp thuế có quyền đặt câu hỏi, liệu có sự bình đẳng, công bằng hay không khi họ phải “nai lưng” ra làm để đóng thuế, trong khi số nợ đọng thuế mỗi năm một tăng.

“Số nợ thuế tồn đọng hết năm này qua năm khác không thể xử lý nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm, nay tăng hơn nữa thì có hay không sự buông lỏng trong kiểm tra, giám sát? Phải có chế tài thật nghiêm minh để đồng tiền thuế của người dân được sử dụng một cách có hiệu quả và công bằng", ông Long đề xuất.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, hiện tại, rất nhiều người lao động mất công ăn việc làm và nhiều doanh nghiệp cũng đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới tình trạng nợ thuế gia tăng. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh, cố tình chây ỳ nộp thuế bởi vì con số nợ thuế này đã tăng dần qua nhiều năm.

“Với những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng tìm cách trốn thuế, lách thuế, chây ỳ nộp thuế, cơ quan thuế cần phải có biện pháp mạnh tay để xử lý, tránh thất thu ngân sách”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các Cục, Chi cục thuế để gia tăng nợ xấu. Bởi Chính phủ đã có chỉ đạo để gia tăng nợ thuế thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm chính. Do đó, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị có số nợ đọng thuế lớn, tăng cao thời gian vừa qua.

"Người nộp thuế chậm đóng tiền thì bị xử phạt, thậm chí là khởi tố hình sự. Vậy cơ quan, cá nhân quản lý nợ thuế để nợ tăng cao cũng bị coi là gây tổn thất cho ngân sách cũng phải bị xử lý lý, trước nhất là xử phạt hành chính, kể cả việc miễn nhiệm hoặc sa thải, thậm chí trong những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vấn đề tham nhũng, làm thâm hụt ngân quỹ quốc gia cần phải xử lý hình sự ", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1/2025

Reuters hôm nay (13/12) dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết nước này dự kiến ​​sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia bắt đầu từ tháng 1/2025. Theo đó, chính phủ Thái Lan sẽ khẩn trương ban hành luật về việc thu thuế, Bộ trưởng Chunhavajira nêu rõ.

Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1 2025
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm
Return to top