Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, trong đó chú trọng nghiên cứu hoàn thiện biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra là biểu giá bán lẻ điện đơn giản, dễ hiểu, minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện; phù hợp với tình hình ngành điện, thị trường điện và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Nguyên tắc cho biểu giá điện là đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý cho ngành điện và các nhà đầu tư, để không ngừng phát triển nguồn điện và lưới điện đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.
Hộ sử dụng ít điện được xem xét giảm giá.
Đồng thời, biểu giá bán lẻ điện đảm bảo sự công bằng cho các khách hàng; phù hợp với quy luật khan hiếm của các nguồn tài nguyên năng lượng. Khi nhu cầu điện ngày càng tăng, nên phải huy động các nguồn tài nguyên năng lượng có điều kiện khai thác khó khăn hơn cho phát điện, do vậy giá thành các nguồn điện mới ngày càng cao hơn.
Đáng chú ý, Dự thảo Đề án hướng đến việc tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện (như đã đề ra tại Quyết định 28/2014/QĐTTg. Theo đó quy định hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Nếu mức hỗ trợ này còn thấp sẽ có thể xem xét tăng lên 50 kWh/tháng.
Dự thảo Đề án của Bộ Công Thương cũng đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng; xem xét thu phí cố định hàng tháng; đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi; xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện…
Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay biểu giá điện bậc thang là hợp lý nhất, đáp ứng các nguyên tắc nêu trên và phù hợp với đặc điểm của sản xuất, kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt./.
Theo VOV