|
Cầu vượt sông Hương - một trong những điểm nhấn của TP. Huế |
Từ thực tế
Hiện, nhiều DA trọng điểm trên địa bàn TP. Huế đang trong giai đoạn “nước rút” để về đích đúng theo quy định. Công tác GPMB luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh và TP. Huế quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Quý, có nhà phải di dời trên đường Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Cầu vượt sông Hương là DA lớn, điểm nhấn cho bộ mặt đô thị TP. Huế. Người dân chúng tôi rất quan tâm và mong DA sớm hoàn thành đúng tiến độ để Huế ngày càng đẹp lên. Đó là lý do khi chính quyền yêu cầu bàn giao mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công cầu, chúng tôi đồng ý ngay”.
Công tác GPMB là vấn đề bức thiết, nhưng quá trình thực hiện luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc GPMB nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ chế, chính sách và các tổ chức thực hiện. Phát huy dân chủ ở cơ sở và kinh nghiệm trong công tác vận động người dân thực hiện GPMB của đội ngũ làm công tác dân vận, mặt trận ở cơ sở luôn là khâu quan trọng mang tính quyết định.
Bên cạnh sự đồng thuận, vẫn có người dân cố tình chây ỳ gây khó khăn trong công tác GPMT. Sau thời gian vận động, giải thích, thuyết phục, ngành chức năng buộc phải tổ chức cưỡng chế. Mới đây, các ban, ngành của TP. Huế tiến hành cưỡng chế đối với 2 trường hợp có công trình trên tuyến đường Phạm Văn Đồng nằm trong DA cải thiện môi trường nước thành phố. Tuy đã giải thích, vận động, nhưng 2 hộ này vẫn cố tình vi phạm, buộc phải cưỡng chế. Tiếp đó, sau thời gian triển khai các giải pháp, TP. Huế cũng đã buộc phải cưỡng chế, thu hồi đất nông nghiệp của 5 hộ gia đình, cá nhân để thực hiện tuyến Tỉnh lộ 12B (Long Hồ) đoạn tuyến từ Km8+00 đến Km8+570 tại phường Hương Hồ…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật thông tin: Buộc phải thi hành cưỡng chế người dân trong công tác GPMB là điều bất đắc dĩ, không ai mong muốn. Tuy nhiên, bất cứ là ai cũng phải thượng tôn pháp luật. Ai cố tình gây khó khăn, vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để dân đồng thuận
Mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Thành ủy Huế đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Phát huy dân chủ ở cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng đô thị du lịch Huế ‘Văn minh – Thân thiện – An toàn, Giàu bản sắc’”.
Nhiều ý kiến cho rằng, phát huy dân chủ ở cơ sở trong GPMB để tạo được sự đồng thuận của người dân là khâu khó, nhưng vô cùng quan trọng. Nhiều giải pháp đặt ra, nhưng tất cả các dự án dù lớn hay nhỏ đều cần phải công khai, minh bạch tất cả các khâu để người dân hiểu, chia sẻ, đồng thuận, chấp thuận GPMB.
"Trước tất cả các DA có liên quan đến công tác GPMB, chúng tôi đều tiến hành công tác kiểm kê, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân lập hồ sơ kê khai, chuyển UBND các phường, xã xác nhận về thời điểm, nguồn gốc sử dụng nhà, đất, tình trạng sinh sống của hộ gia đình, cá nhân. Từ đó, trình Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế thẩm định điều kiện bồi thường về đất; lập và công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy ý kiến các hộ dân bị ảnh hưởng thông qua đối thoại, hướng dẫn, trả lời các nội dung chưa được sự đồng ý, chưa thống nhất của người dân”, ông Đặng Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho hay.
Một trong những cách làm mang lại hiệu quả từ thực tế là, hệ thống chính trị tại cơ sở ở các địa phương, nơi có đất thu hồi tiến hành GPMB phải tổ chức đối thoại, trao đổi, giải thích, vận động để các hộ dân được nắm rõ hơn các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mục đích cuối cùng là làm cho người dân hiểu và chấp hành chủ trương, tạo được sự đồng thuận cao của người dân và thống nhất với phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB. Với các hộ dân chưa thống nhất với các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cần tiếp tục phối hợp để vận động các hộ dân thực hiện việc nhận đất, nhận tiền, bàn giao mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA. Điều quan trọng là phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng khi thực hiện DA để trả lời, giải thích và chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết đảm bảo thấu tình, đạt lý.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế Trần Hùng Nam nhấn mạnh: Việc phát huy dân chủ ở cơ sở, vận động người dân một cách bài bản và kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó, giải thích để các hộ dân nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… của đội ngũ làm công tác dân vận ở cơ sở sẽ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Người đi trước sẽ “tạo hiệu ứng” cho người đi sau, để đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả cao trong công tác GPMB. Bài học tạo sự đồng thuận từ người dân luôn cần phải được phát huy trong công tác GPMB.
|
Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế được UBND TP. Huế giao thực hiện 99 DA, với gần 18.000 hộ bị ảnh hưởng trên diện tích thu hồi đất khoảng 687 ha; trong đó, có 6 DA trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn thành phố và 6 DA trọng điểm của TP. Huế. |