|
Gói thầu thi công đường Bùi Thị Xuân đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hoàng Anh |
“Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, thời gian tới chính quyền các cấp của địa phương tiếp tục lắng nghe, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực phát triển”, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi gặp mặt hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn mới đây.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm, để công tác chỉ đạo điều hành tốt hơn nữa, lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm thành lập 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Các tổ công tác này có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, các dự án được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm giao mặt bằng đảm bảo cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên thực địa.
|
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Nguyễn Hoàng. Ảnh: D. Trương |
Thực tế cho thấy, sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo chính quyền để hỗ trợ, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 ước đạt 7,03%.
Mặc dù chưa đạt như kỳ vọng 9-10% như kế hoạch đề ra. Nhưng đây là mức tăng trưởng khá và là “điểm sáng tăng trưởng” của cả miền Trung khi Thừa Thiên Huế xếp thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước. Xếp thứ 9/14 tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%).
Đặc biệt, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.665 USD, tăng 9,5% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.000 tỷ đồng, vượt dự toán HĐND tỉnh giao.
Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn và thách thức của nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt gần như không thể, không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay. Trong khi thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm. Hàng loạt dự án đầu tư, bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai; một số dự án sản xuất tạo động lực mới cho ngành công nghiệp chậm đưa vào hoạt động…
Đây là khó khăn riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng cũng là kịch bản khó khăn chung của tất cả các địa phương ở Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và cả nước.
Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn vượt lên trở thành một “điểm sáng tăng trưởng” cũng như cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng có tính nền tảng. Thành quả này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có dấu ấn quan trọng của công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể và người đứng đầu chính quyền các cấp.
Hy vọng Thừa Thiên Huế tiếp tục giữ vững và phát huy “điểm sáng tăng trưởng” để làm cơ sở, tiền đề vững tin cho năm 2024 - năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16. Năm thực hiện quyết liệt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra.
Đồng thời, chuẩn bị các đề án để trình Trung ương xem xét, quyết định nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương như phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch HĐND, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII.
“Điểm sáng tăng trưởng” năm nay còn là một niềm hy vọng, bởi nó cho thấy Thừa Thiên Huế đang rất gần với mục tiêu đến năm 2025, GRDP đạt 3.500 USD và tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người, xấp xỉ mức bình quân cả nước…