|
Tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương
|
Với mô hình kinh tế hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, anh Trương Ngọc Dũng là một trong 150 thanh niên tiêu biểu trên cả nước vinh dự nhận giải thưởng Lương Đình Của lần thứ X dành cho thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 20/ 6/2015. Năm nay mới 35 tuổi nhưng anh Trương Ngọc Dũng đã được bầu lên giữ chức Chủ tịch UBND xã Bình Thành, thị xã Hương Trà (trước đó anh là cán bộ địa chính xã).
|
Năm 2007, anh Dũng cầm tấm bằng cử nhân nghành Nông nghiệp phát triển nông thôn về làng, lấy kiến thức mình học được để bắt đầu thực hiện hóa ước mơ làm giàu chính đáng trên vùng đất quê hương bằng mô hình trồng rừng, xây dựng vườn ươm cây giống.
Anh Dũng cho biết, thời điểm đó nhận thấy phong trào trồng rừng keo tràm, cao su tại địa phương phát triển, anh đã đi mua cây giống về bán. Được một thời gian, anh nghĩ tại sao mình lại không tự sản xuất, ươm giống khi mà điều kiện tại địa phương rất thuận lợi, vừa có hiệu quả kinh tế lại đáp ứng nhu cầu cây trồng cho bà con.
Nghĩ là làm, anh đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất, ươm giống keo từ các công ty lâm nghiệp, đến năm 2010 vườn ươm keo giống của anh ra đời và đáp ứng nhu cầu keo giống cho người dân ở xã Bình Thành, Bình Điền. Bên cạnh việc ươm cây keo giống, anh cũng mạnh dạn cho ươm thử các giống cây trồng mới như cây dó, chanh phục vụ nhu cầu cây trồng cho bà con tại địa phương. Hiện nay, anh đã trồng 5 héc ta rừng với kỹ thuật mới như cho xe múc làm tơi xốp đất trước khi trồng để cây mau bén rễ, phát triển nhanh.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh cũng hướng dẫn và đưa ra những kỹ thuật, xác định cây trồng hiệu quả phù hợp với vùng gò đồi cho người dân tại địa phương . Bên cạnh đó, anh cũng giải quyết và tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương làm việc tại vườn ươm với thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng mỗi lao động.
Nhưng để có cơ sở ươm keo giống với thu nhập ổn định như hiện nay, anh Dũng đã trải qua nhiều gian nan thử thách, nói như anh Dũng không phải dễ kiếm đồng tiền mà phải có sự đầu tư và kỹ thuật mới dám làm.
Anh Dũng chia sẻ: “Ban đầu làm vườn ươm cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi ở vùng gò đồi nguồn nước tưới rất khan hiếm, đất đai lại khô cằn. Để có nguồn nước sử dụng tưới lâu dài, anh đã đầu tư 40 triệu đồng khoan 3 giếng khoan, lắp đặt đường ống tưới tiêu tự động. Mỗi công đoạn ươm giống phải giám sát chặt chẽ, tuân thủ kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cây giống đến với người dân để tạo sự uy tín.
Không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh Dũng còn là một cán bộ xã gương mẫu, một đảng viên tiên phong trong việc phát triển kinh tế tại địa phương khi đưa ra các phương pháp sản xuất hiệu quả.
Anh Dũng tâm sự: “Mình là cán bộ thì phải đi đầu trong việc phát triển kinh tế, tạo các mô hình sản xuất phù hợp với vị trí cũng như điều kiện tự nhiên tại địa phương”. Trong thời gian tới, anh sẽ ươm giống và đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả mới như dừa xiêm, mít Thái Lan để người dân thuận lợi trong việc phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả tại địa phương.