ClockThứ Ba, 29/08/2023 05:43

Hành trình hiện thực hóa giấc mơ - Kỳ 2: Sự chuyển mình của “thành phố trẻ”

TTH - “Thành phố trẻ” - là ví von của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đó sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, nơi "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng".

Hành trình hiện thực hóa giấc mơ - Kỳ 1: Khẳng định vị thế từ di sản Huế

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một chuyến kiểm tra tiến độ dự án cầu qua cửa Thuận An

Chuyển động thời gian gần đây đã giúp hình hài của Huế đổi thay. Những đại dự án (DA) giúp hình ảnh Huế vươn xa; những công trình trọng điểm minh chứng cho môi trường đầu tư Huế đã có những đổi thay, và đặc biệt, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của tỉnh dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là điều rất đáng tự hào.

Cải thiện thu nhập cho người dân

Đến bây giờ, nhiều người dân phường Phú Bài, xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) nói riêng và vùng lân cận nói chung vẫn nhớ như in ngày khởi công xây dựng khu công nghiệp (KCN) Phú Bài. Hơn hai thập kỷ có mặt trên địa bàn tỉnh, “địa chỉ” này thu hút sự đầu tư phát triển công nghiệp.

Từ một làng quê thuần nông, đến nay các thôn ở xã Thủy Phù, Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) đã đổi thay hoàn toàn. KCN Phú Bài được xây dựng và mở rộng, thu hút lượng lớn công nhân không chỉ ở địa phương mà từ khắp các tỉnh về làm việc, sinh sống. Các khu nhà trọ “mọc” lên đáp ứng nhu cầu của công nhân và cũng giúp thu nhập của người dân cải thiện.

“Trước đây, khi KCN vừa mới thành lập, tôi cùng vợ có công ăn việc làm nuôi sống gia đình. Theo thời gian, KCN được mở rộng, công nhân lũ lượt về đây để làm việc, nắm bắt cơ hội, gia đình tôi mở thêm dịch vụ kinh doanh ăn uống, bây giờ cuộc sống trở nên khấm khá hơn. Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều người dân cũng nắm bắt cơ hội trở nên giàu có” - ông Lê Quang Sanh (xã Thủy Phù) tâm sự.

Thực tế, công nghiệp không phải là thế mạnh của tỉnh trong xu thế phát triển, song sự phát triển của các KCN của tỉnh thời gian qua là lát cắt đáng ghi nhận. Không chỉ Phú Bài, 5 KCN và nhiều cụm công nghiệp khác đang thu hút hàng trăm doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng KCN Lê Hòa nói: “Sự hoàn thiện của KCN Phú Bài tạo động lực phát triển rất lớn, nhất là khi được kết nối với sân bay quốc tế Phú Bài và cảng nước sâu Chân Mây. Với sự đầu tư của tỉnh ở Chân Mây - Lăng Cô, các trục được kết nối tạo ra tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn”.

Mới đây, DA đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex được khởi công xây dựng hứa hẹn sẽ tạo động lực phát triển vùng công nghiệp phía nam tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn tới và giải quyết nhu cầu việc làm tại địa phương. “Trên địa bàn tỉnh có 6 KCN với quy mô diện tích 2.400ha; trong đó, KCN Phú Bài có diện tích 744ha. Hiện nay, KCN Phú Bài giai đoạn 1, 2 đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy 96%, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước hàng năm trên 2.500 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 ngân sách toàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Những "đại dự án" được triển khai tạo ra sắc diện mới cho tỉnh 

Những đại dự án mang đậm dấu ấn vùng đất Cố đô

Với "thương hiệu" cảng hàng không của quốc gia, cuối năm 2019, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp tỉnh khởi công DA Nhà ga T2 ở Cảng Hàng không quốc tế  (HKQT) Phú Bài với tổng vốn 2.250 tỷ đồng.

Đây là DA lịch sử, minh chứng cho sự chuyển mình của một cảng HKQT nằm trên vùng đất Cố đô.

DA gồm các hạng mục, nhà ga hành khách; hệ thống tường rào; đường giao thông, mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; sân đậu ô tô và các hạng mục phụ trợ...

Ngày khánh thành Nhà ga hành khách T2, du khách lẫn bạn bè trong nước, quốc tế được chiêm ngưỡng hình ảnh núi Ngự, đặc biệt hệ mái của công trình mang dáng dấp kiểu cung đình xưa, phát huy nét đặc thù văn hóa Huế với phong cách hiện đại.

Việc khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Phú Bài nhằm phục vụ nhu cầu du lịch, đi lại bằng đường hàng không của du khách đến Huế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa của khu vực Huế nói riêng và miền Trung nói chung.

Quá trình phát triển của Cảng HKQT Phú Bài còn tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics. Đó là việc dựa trên cơ sở kết nối với cảng biển nước sâu Chân Mây, ga hàng hóa cảng hàng không Phú Bài, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các KCN và vùng phụ cận. Hình thành Cụm cận cảng Chân Mây gắn liền với hoạt động của cảng biển Đà Nẵng, Hòn La,  cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, kết nối hạ tầng giao thông vận tải. Dịch vụ logistics sẽ trên cơ sở kết nối cảng Chân Mây, cảng cạn ICD Chân Mây, ga hàng hóa cảng hàng không Phú Bài, các KCN.

Không chỉ hoàn thành và đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư các DA nhằm tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung hoàn thành các tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa) trong năm 2023; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các DA đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài và đường Vành đai 3…

Xác định rõ những trụ cột phát triển

Thừa Thiên Huế đã có và sẽ tiếp tục phát triển trên ba trụ cột: Giá trị di sản Cố đô, du lịch; khoa học, y tế, giáo dục chất lượng cao và phát triển các KCN, khu kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, để tạo đột phá phát triển, kết cấu hạ tầng sẽ tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; hoàn thiện kết cấu hạ tầng và chú trọng kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, KCN,… Đặc biệt là phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú trọng tâm là Kinh thành Huế; phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

“Tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với công nghiệp sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản… Ngoài ra, sẽ từng bước kiến tao một môi trường hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Định hướng phát triển cho tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trước mắt, Thừa Thiên Huế phải làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản; gắn kết phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng ven biển, đầm phá. Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có; phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây". Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, du lịch nông nghiệp...

“Để đạt được mục tiêu, Thừa Thiên Huế cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ, nhân lực số…”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Thừa Thiên Huế.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Khơi mạch nguồn, kiến tạo tương lai

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Giấc mơ của nhiều bạn trẻ

Các lớp học và khóa đào tạo MC (Người dẫn chương trình - theo cách gọi tiếng Anh là Master of Ceremonies) dần trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Giấc mơ của nhiều bạn trẻ
Cầu mây & hành trình phía trước

Hiện tại, không phải cầu chinh, không phải Jujitsu và càng không phải bắn cung, mà cầu mây mới là bộ môn non trẻ nhất của thể thao Huế.

Cầu mây  hành trình phía trước
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

A Lưới từ lâu đã gắn liền với hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chăm chỉ làm ăn, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để tránh bão lũ, bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

TIN MỚI

Return to top