ClockThứ Sáu, 06/05/2016 15:05

Hình thành chuỗi giá trị nông sản mới giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm

“Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) của Việt Nam hiện nay muốn thực hiện đồng bộ phải hình thành được chuỗi giá trị nông sản, nói cách khác là sự liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân”- PGS.TS Lê Quân - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội chia sẻ về câu chuyện ATTP đang ngày càng trở nên “nóng bỏng” ở Việt Nam

Phải hình thành được chuỗi giá trị nông sản

Thưa PGS, dưới góc nhìn của PGS thì vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay tại Hà Nội và các địa phương khác như thế nào?

PGS.TS Lê Quân: Khoảng cuối năm 2015, ngài Mori Mutsuya, trưởng cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có nói một câu đại loại rằng “với tư cách một người sống tại Hà Nội, nguyện vọng của tôi chính là có thể an tâm ăn rau…”. Câu nói đó khiến tôi trăn trở về độ ATTP đáng báo động của Việt Nam và đặc biệt là ở Hà Nội.

Tôi được biết JICA đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các tỉnh như Nghệ An, Lâm Đồng và những đối tác thuộc khu vực tư nhân để xây dựng mô hình “sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng” với các hoạt động cần thiết để thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm từ việc sản xuất, chăn nuôi, giống và phát triển giống, trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu, với xuất phát điểm là dựa vào nhu cầu thị trường.

PGS.TS Lê Quân - Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch CLB nhà khoa học ĐHQG Hà Nội

Tôi nghĩ các địa phương khác làm được, tại sao Hà Nội lại không? Trong khi mật độ dân số của Hà Nội rất cao, hẳn nhu cầu cũng rất cao, phải chăng cầu đã chưa tiếp cận được cung, người tiêu dùng chưa thực sự đặt hàng được với nhà nông?

Tôi nhận ra rằng, không chỉ Hà Nội, vấn đề ATTP chung của Việt Nam hiện nay muốn thực hiện đồng bộ phải hình thành được chuỗi giá trị nông sản, nói cách khác là sự liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để tạo nên một sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực tế có nhiều người cũng nhận thấy điều đó nhưng cơ hội để biến nó thành hiện thực sẽ như thế nào?

Thực tế hiện nay, việc hình thành liên kết chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo: Sự tham gia của các nhà khoa học chưa thật sự mạnh mẽ; phần lớn nông dân còn sản xuất quy mô nhỏ, manh mún nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, các doanh nghiệp chưa vào cuộc mạnh mẽ. Cho nên sự đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người nông dân đặc biệt khi họ muốn xây dựng mô hình phát triển bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Họ thực sự cần một cầu nối để đến được với nhau.

Cá nhân tôi, với chuyên ngành nghiên cứu và các hoạt động nghề nghiệp của mình, tôi đã tham gia, chủ trì các đề tài nghiên cứu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam; Quản lý nhà nước về thị trường tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi; tham gia đào tạo doanh nhân, hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam… tôi nghĩ việc kết nối với các doanh nhân, doanh nghiệp với người nông dân tôi có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, với vai trò là một nhà quản lý, một nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2011 tới nay, tôi nhận thấy cán bộ khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể tham gia vào việc hỗ trợ cho người nông dân. Tôi tin tưởng các nhà khoa học của ĐHQGHN sẵn sàng vào cuộc vì sự an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng cũng như vì sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp của người nông dân.

Cần sự tham gia mạnh của các nhà khoa học

Như PGS tiết lộ, các nhà khoa học của ĐHQGHN sẵn sàng vào cuộc vì sự an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng động. Tuy nhiên hiện nay xã hội lại ít biết đến những nghiên cứu hữu ích của các nhà khoa học?

PGS.TS Lê Quân: Các nhà khoa học thường âm thầm nghiên cứu và ít có sự trao đổi với các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xã hội chưa biết nhiều thông tin về các kết quả nghiên cứu hưu ích cho người dân. Vấn đề này tôi nghĩ trong thời gian tới cần được khắc phục.

Tại ĐHQGHN có nhiều đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng vào việc phát triển nông nghiệp sạch. Các nhà khoa học trong nhóm ngành khoa học sự sống của ĐHQGHN trong những năm gần đây đã chú ý các đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra các chế phẩm sinh học hướng đến giúp bà con nông dân phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Các nhà khoa học khuyến khích nông dân đầu tư và sử dụng các yếu tố vừa đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa không gây tác hại cho người sử dụng và không làm suy thoái, ô nhiễm môi trường sinh thái.

Hiện tại ở ĐHQGHN, có những nhóm nghiên cứu trong nhiều năm nay đã xây dựng các trang trại trồng rau thủy canh và xây dựng mô hình trồng rau thủy canh cho nhà phố, quy trình trồng nấm linh chi và các loại nấm quý hiếm khác, nghiên cứu các loại phân vi sinh, các loại lợi khuẩn giúp cây trồng, vật nuôi tăng sức đề kháng, chống chọi sâu bệnh v.v.. để hỗ trợ cho việc nuôi trồng của bà con nông dân.

Nhiều nhà khoa học trẻ cũng đang hướng các đề tài vào nghiên cứu để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân. Nghĩa là các nghiên cứu đó lấy nông sản của bà con nông dân làm nguyên liệu đầu vào và chế biến thành các sản phẩm có giá trị thương mại cao: Ví dụ sản xuất tinh dầu; sản xuất than hoạt tính để lọc chất độc trong nước dựa trên rác thải nông nghiệp bằng phương pháp nung yếm khí,..

PGS nhìn nhận thế nào về người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ hiện nay?

PGS.TS Lê Quân: Có thể nhận thấy một thực tế hiện nay là việc sản suất, canh tác của bà con nông dân dựa quá nhiều vào các loại phân bón hóa học và lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Phần lớn họ chưa nghiên cứu kỹ thành phần và sự độc hại của hóa chất trong các loại thuốc đó mà chỉ nhìn vào hiệu quả bảo vệ trước mắt (có sâu phải mua thuốc về trừ sâu để khỏi hỏng rau; gia súc ốm phải tiêm các kháng sinh cho khỏe,...) cũng như điều trị bệnh cho người vậy, đó là hành động tất yếu có thể thông cảm được vì trên bao bì, nhãn hiệu của các loại thuốc đó ghi các thành phần đôi khi chỉ có nhà khoa học chuyên ngành mới phân tích để hiểu được mức độ độc hại.

Các nhà khoa học cần vào cuộc và cung cấp thêm kiến thức khoa học và ý thức bảo vệ môi trường cho người nông dân

Việc sản xuất sử dụng nhiều phân bón hóa học về lâu dài sẽ làm đất nhiễm độc, mất độ màu mỡ, giảm năng suất, chất lượng cây trồng, ảnh hưởng đến môi trường sống của chính họ và ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và cộng đồng. Đó là điều các nhà khoa học cần vào cuộc và cung cấp thêm kiến thức khoa học và ý thức bảo vệ môi trường cho người nông dân. Điều này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý nhà nước như (Khuyến nông; Chi cục bảo vệ Thực vật…) trong việc tổ chức các đợt đào tạo kỹ năng, phổ biến kiến thức cho người nông dân.

Bên cạnh trồng trọt, việc chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc, hóa chất vệ sinh chuồng trại… nhiều trong số đó có thành phần là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Những điều này không chỉ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng.

Giai đoạn gần đây, tôi nhận thấy VTV có chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” nhiều ví dụ, nhiều dẫn chứng được đưa ra. Người tiêu dùng hoang mang không biết lựa chọn như thế nào để trở thành người tiêu dùng thông minh. Người nuôi trồng các nông sản cũng hoang mang không biết mình sử dụng có thuộc vào chất cấm, chất bẩn hay không? Có nhiều gia đình/mô hình thực sự trồng rau sạch, chăn nuôi sạch cũng bị ảnh hưởng khi phong trào tẩy chay các sản phẩm nông nghiệp gia tăng và các mô hình tự cung tự cấp trên các sân thượng, mái ngói nở rộ trong các thành phố lớn.

Về vấn đề này, cả người tiêu dùng lẫn người cung cấp sản phẩm cần được trang bị nhiều kiến thức hơn về an toàn thực phẩm, các nhà khoa học cần vào cuộc để hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ; các doanh nghiệp cần vào cuộc để đảm bảo là cầu nối giữa người tiêu dùng và bà con nông dân. Cá nhân tôi, cũng mong muốn mình là một mắt xích trong việc tạo ra những cầu nối như vậy nhằm đem lại nguồn lợi cho người nông dân, doanh nhân; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo ra giá trị cho sự phát triển xã hội nhằm xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.

Xin cảm ơn PGS!

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

TIN MỚI

Return to top