ClockThứ Năm, 25/08/2022 06:30

Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn

TTH - Để những đồng vốn khuyến công đạt hiệu quả, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) thường xuyên phối hợp với các phòng, ban liên quan rà soát, khảo sát, qua đó, hỗ trợ trúng và đúng đối tượng, góp phần giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững.

Hợp tác xã chuỗi giá trịCơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển bền vững

Từ nguồn vốn khuyến công, sản phẩm của cơ sở sản xuất mỳ lát, bánh canh khô Hồng Loan được nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng

Từ lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có của vùng, địa phương, cộng thêm những hỗ trợ từ chương trình khuyến công, như: đào tạo nhân lực, máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, nhiều tổ chức, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh đã có những thành công nhất định trên thị trường trong nước và nước ngoài khi sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, tạo động lực để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, như: mây tre đan Bao La, đệm bàng Phò Trạch, hương sạch Tân Nguyên, dầu tràm Kim Vui, tinh dầu Liên Minh Xanh…

Ngoài những cái tên đã khẳng định “thương hiệu”, cũng từ hỗ trợ của chương trình khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở nông thôn đã từng bước vươn dậy, mạnh dạn mở rộng thị trường thay vì chỉ quanh quẩn trong “đường làng, ngõ xóm” như trước đây.

Thành lập từ năm 2002, với 2 nhân công chuyên cán, cắt bột, mỗi ngày, cơ sở sản xuất mỳ lát, bánh canh khô Hồng Loan (thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) làm ra khoảng 50kg thành phẩm.

Năm 2022, khi được hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công đầu tư máy cán, cắt bột liên hoàn, thành phẩm của cơ sở này mỗi ngày lên đến 300 – 350kg. Không chỉ tăng mạnh về số lượng mà còn đột phá về chất lượng, mẫu mã, qua đó, giúp sản phẩm có mặt ở nhiều thị trường trên toàn quốc.

“Máy cán, cắt bột liên hoàn giúp xáo bột đều, cho ra sợi bột đẹp, dai và ngon hơn. Nếu như trước đây, thời điểm chưa đầu tư máy này, sản phẩm chỉ lui tới ở các chợ trên địa bàn huyện, thì nay, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt ở nhiều thị trường trên cả nước, như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau…, giúp lãi ròng mỗi tháng của cơ sở gấp hơn 3 lần trước đây. Hiện, chúng tôi đang cải tiến chất lượng, mẫu mã để tiếp tục mở rộng thị trường”, ông Ngô Hợp - Chủ cơ sở sản xuất mỳ lát, bánh canh khô Hồng Loan thông tin.

Trước đó, cũng từ nguồn vốn khuyến công, HTX Dệt may thổ cẩm A Đớt (A Lưới) được Sở Công thương phê duyệt đề án khuyến công hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất dệt thổ cẩm cho 30 lao động, kinh phí hỗ trợ 45 triệu đồng, thời gian đào tạo 3 tháng. Sau khi được đào tạo, tay nghề của những lao động nơi đây nâng cao thấy rõ, giúp những sản phẩm làm ra nhiều hơn, ít lỗi hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

“Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà có mặt tại các tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Nam, Đà Lạt… Có được kết quả này là nhờ hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công cùng việc trao “cần câu” chứ không phải “con cá”. Điều này giúp HTX giúp ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững”, bà A Viết Thị Tâm - Giám đốc HTX chia sẻ.

Giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu khuyến công trên địa bàn tỉnh là hỗ trợ đào tạo khoảng 500 lao động, 500 lượt học viên tham gia các khóa tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý...; 65 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, xử lý môi trường; 1 cơ sở công nghiệp nông thôn điển hình; thiết kế mới, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cho khoảng 15 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 4 cụm công nghiệp, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường cho 2 cụm công nghiệp và 5 cơ sở công nghiệp nông thôn...

Để tiếp tục sử dụng nguồn vốn khuyến công có hiệu quả, từ chỉ đạo của tỉnh và Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã và đang phối hợp với các ngành liên quan triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn phù hợp với nhu cầu thực tiễn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, HTX, hộ kinh doanh cùng nhiều đề án hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Ở chiều ngược lại, Trung tâm Xúc tiến thương mại đưa ra lời khuyên, các cơ sở công nghiệp nông thôn cần thực hiện chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường thông qua những kế hoạch, phương án cụ thể; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương làm lợi thế cho sản phẩm chủ lực; tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị; tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã; áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tham gia sàn thương mại điện tử: Lazada, Shoppee, Amazon, Ebay... để phát triển thị trường nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu…

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư đã trở thành điểm nhấn, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top