ClockThứ Bảy, 29/05/2021 13:15

Hỗ trợ khách hàng khó khăn do dịch COVID-19

TTH - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp. Đây cũng được xem là giải pháp để ngân hàng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do COVID-19.

“Chung lưng” cùng doanh nghiệp & người dân21/24 chi nhánh ngân hàng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn

Các ngân hàng triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng

Biểu lãi suất ngân hàng vẫn không biến động

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất bình quân liên ngân hàng đối với VND tuy tiếp tục tăng; trong khi đó, biểu lãi suất của các ngân hàng không có biến động nhiều, nếu có cũng duy trì ở mức rất thấp. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng lớn như: VietinBank, Agribank, Vietcombank và BIDV... vẫn giữ mức ổn định so với tháng trước. Trong đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm.

Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang dồi dào, các ngân hàng thương mại duy trì mức lãi suất huy động thấp nhằm phục vụ cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát trở lại như hiện nay.

Hiện Vietcombank chi nhánh Huế đang triển khai rất nhiều chương trình lãi suất cho vay ưu đãi nhằm đáp ứng cho nhiều nhóm khách hàng và các nhu cầu vay đa dạng khác nhau. Trong đó, chương trình lãi suất cạnh tranh 2021 dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa vay kinh doanh… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay từ 12 tháng trở xuống; 6,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 12 đến 24 tháng; 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.

Song song với chương trình này, Vietcombank còn triển khai chương trình an tâm lãi suất dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng DN nhỏ và vừa với mức lãi suất vay cố định trong các kỳ hạn dài như: 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm và cả những kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm và 10 năm. Hai chương trình trên được triển khai kéo dài đến 31/03/2022 hoặc tới khi hết quy mô của chương trình.

Giảm lãi vay, cơ cấu thời gian trả nợ

Duy trì mức lãi suất huy động thấp cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn thông qua việc miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời gian trả nợ.

Số liệu từ Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế cho thấy, dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại thời điểm này của chi nhánh là 152 tỷ đồng, chiếm 1,75 %/tổng dư nợ. Nguyên nhân chủ yếu do giảm doanh thu, không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa (chiếm 52%/dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19); mặc khác, do thiếu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất (chiếm 23,7%/dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19). Theo đó, chi nhánh tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 55 khách hàng với số tiền 63,959 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 53,759 tỷ đồng và số tiền lãi đã được miễn, giảm là 149,34 triệu đồng.

Ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế thông tin, ngoài thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng, Agribank triển khai miễn phí giao dịch chuyển tiền trong cùng hệ thống Agribank đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank áp dụng trên tất cả các kênh giao dịch của Agribank. Miễn phí giao dịch chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank đối với khách hàng cá nhân có tài khoản thanh toán tại Agribank trên các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking.

Các TCTC khác cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do COVID­-19, triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế tiếp xúc trong tình hình dịch hiện nay.

Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu 1.135 tỷ đồng cho 790 khách hàng (trong đó có 115 DN); 2.360 khách hàng (trong đó có 233 DN) được miễn, giảm lãi, hạ lãi suất với dư nợ 2.715 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 6,1 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện các phương án hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Đến cuối tháng 4, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 2,28% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tại các TCTD đạt 54.000 tỷ đồng, tăng 4,11% so với đầu năm đồng với lãi suất cho vay thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5%/năm so với trước dịch.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo từ hỗ trợ sinh kế

Phường Đông Ba (TP. Huế) có 21 hộ nghèo. Để thực hiện lộ trình đến cuối năm 2025 xóa 7 hộ nghèo, Mặt trận và các đoàn thể phường đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình sinh kế, góp phần chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn thành phố.

Giảm nghèo từ hỗ trợ sinh kế
Return to top