Cán bộ Cục Thuế tỉnh và NNT tập huấn HTĐT trên môi trường thực tế
Là DN đóng tại xã Lộc Tiến (Phú Lộc), trước đây mỗi lần thực hiện việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cán bộ kế toán Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế phải vượt gần 70 cây số lên văn phòng Cục Thuế tỉnh nộp hồ sơ. Kế toán trưởng công ty, ông Hồ Đắc Thành giải thích: “Là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu với nhiều ngành nghề, như sản xuất đồ gỗ và các sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ…, năm 2016 công ty phải hoàn tất hồ sơ để hoàn thuế với giá trị trên 20 tỷ đồng. Để thực hiện công việc này, mỗi năm nhân viên kế toán phải lên văn phòng Cục Thuế tỉnh khoảng 20 lần, chưa kể các hồ sơ hoàn thuế cần chỉnh sửa hoặc sai sót. Áp dụng HTĐT, DN sẽ tiết giảm được thời gian, công sức cho việc hoàn thuế, đồng thời sẽ tránh được các sự cố như thất lạc hay hư hỏng hồ sơ”.
Kế toán Công ty TNHH Dệt kim và may mặc Huế, chị Diệu Phương phấn khởi: “Thông qua khóa tập huấn HTĐT do Cục Thuế tỉnh tổ chức và trực tiếp thực hành trên môi trường thực tế, việc HTĐT khá đơn giản và dễ thực hiện. Sắp tới, nhân viên kế toán chỉ việc ở công ty để thực hiện việc hoàn thuế, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại.”
Hoàn thuế điện tử được thực hiện theo 2 giai đoạn, từ 1/5/2017 đến 31/7/2017 là giai đoạn triển khai đăng ký, lựa chọn chuẩn bị điều kiện để thực hiện công tác hoàn; từ 1/8/2017 trở đi sẽ thực hiện hoàn cho tất cả NNT có nhu cầu và tự nguyện đăng ký. |
Qua tìm hiểu, việc HTĐT vẫn bảo đảm theo đúng quy trình, thủ tục đó là hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Tuy nhiên, thực hiện HTĐT, DN không cần trực tiếp đến cơ quan thuế, mà toàn bộ hồ sơ hay các thông báo của cơ quan thuế như tiếp nhận hồ sơ, thông báo thời gian trả kết quả, quyết định hoàn thuế... được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế tỉnh. Các phản hồi của cơ quan thuế tới DN cũng được gửi qua thư điện tử (email) mà NNT đã đăng ký. Trước mắt, đơn vị sẽ áp dụng HTĐT đối với NNT thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc trường hợp hoàn xuất khẩu và dự án đầu tư. Khi cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế cho phép, đơn vị sẽ triển khai HTĐT cho những loại thuế còn lại.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ông Hà Văn Khoa thông tin: “Là dịch vụ công điện tử của ngành thuế, cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử, HTĐT thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, chỉ cần có kết nối internet, NNT có thể nộp hồ sơ hoàn thuế ở bất cứ đâu và thời gian hoàn thuế sẽ được rút ngắn”. Ông Khoa khẳng định, việc HTĐT sẽ diễn ra thuận lợi, không có vướng mắc do NNT đã thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế”.
Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng
Điều 10. Lập và gửi hồ sơ hoàn thuế
1. Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng gồm:
Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước; các tài liệu khác theo quy định tại các điều từ Điều 50 đến Điều 56 (trừ Điều 53) của Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
2. Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng đầy đủ các điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và pháp luật về quản lý thuế, lập và gửi hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
3. Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính.
4. Người nộp thuế đã gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế nhưng sau đó có văn bản hủy đề nghị hoàn thuế thì người nộp thuế được khai điều chỉnh, bổ sung số thuế đề nghị hoàn chuyển khấu trừ tiếp vào tờ khai thuế giá trị gia tăng của kỳ kê khai tiếp theo kể từ thời điểm có văn bản hủy đề nghị hoàn thuế, nếu đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
(Còn tiếp)
Khánh Thư (giới thiệu)
|
Bài, ảnh: Thanh Hương