ClockThứ Năm, 02/01/2025 06:40

Hút vốn FDI

TTH - Cùng với đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư, việc đồng hành của chính quyền nhằm thúc đẩy các dự án được ví như “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (*).

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

 Dệt may chiếm một lượng lớn lao động

Đóng góp lớn

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… được tổ chức thường xuyên đã mở ra kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam và Thừa Thiên Huế. Đó cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2021 - 2024, Thừa Thiên Huế đã cấp mới cho 45 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 604,8 triệu USD, trong đó có 30 dự án đã triển khai hoạt động. Như vậy, đến nay, Thừa Thiên Huế đang có 136 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,6 tỷ USD.

Thông qua nguồn lực đầu tư này, Thừa Thiên Huế có điều kiện phát triển toàn diện, thúc đẩy các nhà đầu tư thứ cấp, các thương hiệu lớn đến với Huế. Hiện, khu vực FDI đang đóng góp 10% GRDP toàn tỉnh/năm và dự kiến khối này cũng đóng góp khoảng 850 triệu USD vào ngân sách giai đoạn 2021 - 2025, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, khối DN FDI đã đóng góp 37% vào tổng thu ngân sách và chiếm 41% số thu nội địa. Chưa kể, các DN FDI cũng đóng góp rất lớn trong thu thuế và thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu.

Những chiếc xe thuộc dự án Kim Long Motors Huế 

Đáng chú ý là những tháng cuối năm 2024, đã có nhiều dự án FDI lớn trên địa bàn đi vào hoạt động như: Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký 169,67 triệu USD; dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1), công suất 3.500 chiếc/năm; Nhà máy Kanglongda… góp phần thay đổi diện mạo và nâng tầm vị thế của Huế trong kêu gọi và xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp FDI còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2024, các DN FDI đã giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động, đến cuối năm 2025, con số này dự kiến đạt 26.000 lao động.

Xúc tiến đầu tư tại chỗ

DN FDI đang là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các DN địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, trong chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh rất chú trọng kêu gọi đầu tư FDI. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết giữa DN FDI và cơ sở đào tạo trong sử dụng lao động, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực cho DN khi đến Huế đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ DN cho hay, những năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã chủ động hơn trong việc tìm đến các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, công nghệ, thương mại, bất động sản... Cùng với tổ chức những hội nghị, hội thảo lớn, Thừa Thiên Huế cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến quy mô nhỏ và vừa để dễ dàng tiếp cận, lựa chọn những dự án, tập đoàn cụ thể và tiến hành xúc tiến đầu tư có địa chỉ và theo chiều sâu. Duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động,…

Hoạt động hỗ trợ đầu tư cũng giúp Thừa Thiên Huế “ghi điểm” với các nhà đầu tư. Có thể lấy dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế là ví dụ.

Dự án bắt đầu thi công các hạng mục chính từ tháng 1/2023. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan, nhưng chỉ sau hơn 1 năm, dự án đã đi vào hoạt động theo đúng cam kết của nhà đầu tư. Đây được xem là một điểm sáng trong hoạt động thu hút đầu tư, cũng là minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng hành của chính quyền với DN. Trong thời gian thực hiện dự án, lãnh đạo tỉnh không ít lần thị sát, nghe và nắm bắt từng khó khăn của nhà đầu tư và kịp thời tháo gỡ, giúp dự án đạt được tiến độ đề ra.

Như đánh giá của ông Okada Masaki – Tổng quản lý điều hành Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, ngoài sự đầu tư tập trung về nguồn lực của DN, dự án có sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành sâu sát từ chính quyền địa phương cũng như các sở, ban, ngành theo đúng tinh thần địa phương đã cam kết lúc ban đầu. Chính quyền và các sở, ban, ngành của Thừa Thiên Huế đã chủ động lắng nghe, đồng hành và phối hợp cùng các nhà đầu tư để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh và tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện các quy trình, thủ tục. Đó chính là động lực giúp DN thực hiện tốt hơn các kế hoạch phát triển, kinh doanh, đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội.

Có thể thấy, khi dự án này đi vào hoạt động đã tạo nên diện mạo mới cho Khu đô thị mới An Vân Dương, làm sôi động kinh tế đêm của Huế cũng như kích thích tăng trưởng trong các lĩnh vực ẩm thực và giải trí và kéo theo nhiều thương hiệu lớn đến Huế.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế luôn đồng hành, lắng nghe và kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Theo cơ sở định hướng đó, Thừa Thiên Huế đã phát huy hiệu quả của 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Với các dự án ngoài ngân sách, tổ công tác cũng giao trách nhiệm cho các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) phụ trách hỗ trợ từng dự án trong tháo gỡ các khó khăn liên quan. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công khai và thuận lợi nhất cho tất cả các nhà đầu tư, để tiếp tục được vinh danh vào danh sách top 10 những địa phương điều hành kinh tế xuất sắc.

“Thừa Thiên Huế cũng đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, đất đai... thu hút thêm nhiều “con sếu đầu đàn” - những DN, tập đoàn lớn có khả năng chi phối thị trường và hoạt động trong những lĩnh vực mang tính lan tỏa cao, dẫn dắt nền kinh tế đến Huế đầu tư”, ông Sơn cho hay.

(*) Kể từ ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 175/2024/QH15, ngày 30/11 của Quốc hội khóa XV

HOÀNG LOAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghề mới, cơ hội mới cho người lao động

Chăm sóc sắc đẹp, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật ô tô điện... là một số ngành mới gần đây được đưa vào đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn. Đây là những ngành nghề mới, dễ tạo ra cơ hội việc làm cho học viên khi ra trường.

Nghề mới, cơ hội mới cho người lao động
Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

Sau khi triển khai ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên, gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã và Tổ chức dịch vụ thu, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng đột biến.

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”
Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

Ngày 30/11, theo thông tin từ Tỉnh đoàn, người dân Thừa Thiên Huế đang học tập và lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có thể đăng ký tham gia Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 để nhận được vé xe và máy bay miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

TIN MỚI

Return to top