Sau dịch, lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng có sự phục hồi tốt
Tất cả các mảng kinh tế đều tăng trưởng mạnh mẽ. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Kinh tế Thừa Thiên Huế cũng nằm trong đà tăng trưởng chung của cả nước. Tuy Cục Thống kê tỉnh chưa công bố GRDP 9 tháng đầu năm, nhưng số liệu từ nửa đầu năm 2022 cho thấy, mức tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng đến 6,92% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá trong khu vực. Rồi đây Cục Thống kê sẽ công bố kết quả tăng trưởng kinh tế, nhưng chắc chắn sẽ là một con số khả quan. Nhiều dữ liệu được nêu ra dưới đây khẳng định điều này. Thứ nhất là 2 khu vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng GRDP là khu vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều cho thấy mức bứt phá khả quan. Như khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,25% (tính trong 6 tháng đầu năm 2022). Dịch vụ tăng gần 8%. Nhiều yếu tố mới hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế được bổ sung. Ngoài những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh duy trì năng lực sản xuất ở mức cao như sản xuất bia và mạch nha ủ men bia, sản xuất sợi, sản xuất trang phục, chế biến dăm gỗ… đều tăng. Những nhân tố mới đó là việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ một số nhà máy trên địa bàn: mở rộng nhà máy kéo sợi của Công ty Sợi Phú Bài, mở rộng nhà máy sợi Công ty CP Vinatex Phú Hưng; Nhà máy gạch men Mikado Huế, Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ ô tô Nakomoto Việt Nam...
Khu vực dịch vụ chiếm 48,23% của nền kinh tế, sau dịch đã phục hồi khá tốt, đặc biệt là du lịch. Nhiều số liệu cho thấy du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm. Chỉ có một điều đáng ngại ở lĩnh vực du lịch là thời điểm này là thời gian cao điểm của dòng khách du lịch quốc tế, nhưng hiện nay những dấu hiệu cho thấy mảng khách này phục hồi rất chậm. Tuy nhiên nền kinh tế có thể bù đắp bằng nhiều yếu tố như đầu tư công tăng mạnh; ngành điện tăng đến 72,81% tính trong 6 tháng đầu năm; thu ngân sách tăng cao. 6 tháng đầu năm 2022 thu đạt đạt 5.636,5 tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán năm. Tất cả các khu vực thu đều có mức tăng trưởng khá.
Nền kinh tế đang chạy nước rút để về đích năm. Những năm trước cho thấy số liệu về kinh tế những tháng cuối có sự tăng trưởng khá. Điều này chúng ta có thể thấy qua nguồn vốn cho vay của ngân hàng. Như năm 2021, tính đến tháng 10, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng tăng 14,91% so với đầu năm, thì qua tháng 11 đạt mức tăng 16,8%. Những con số này cho thấy sự chuyển biến tích cực của những tháng cuối năm của nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Như vậy, chúng ta cũng có thể hy vọng vào những dấu hiệu tích cực nói trên sẽ lặp lại trong năm nay. Chúng ta cũng hy vọng năm nay là một năm có mức tăng trưởng GRDP cao, như những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế như đã nêu trên.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: H.T