Khắc phục sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới
Sạt lở cục bộ tại nhiều địa phương
Ảnh hưởng mưa lớn, tuyến Quốc lộ 49B qua thôn Tân An (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) xuất hiện sạt lở đất tại vị trí Km96+170. UBND xã đã di dời 33 hộ với 120 nhâu khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở đất dọc tuyến.
Ông Phan Thế Phúng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình thông tin, với đặc điểm địa bàn nằm sát núi, đầm phá, hàng năm, các thôn Mai Gia Phường, Tân An… luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi. Những năm gần đây, việc cấp phép mỏ đất, đá dọc tuyến đường với việc khai thác trên đồi cao, cũng tiềm ẩn nguy cơ trượt núi, đất đá chảy tràn vào khu dân cư vào mùa mưa bão. Hiện nay, 2 mỏ đất đá được cấp phép khai thác vẫn còn 1 mỏ đang hoạt động.
Những ngày qua, mưa lớn, nước chảy mạnh cũng làm sạt lở nghiêm trọng lề và mặt đường của 2 tuyến đường liên thôn Hạ Long (Phong Mỹ, Phong Điền) với chiều dài khoảng 40m, ảnh hưởng giao thông của người dân. Địa phương đã bố trí biển cảnh báo các điểm sạt trượt nguy hiểm và hướng dẫn người dân đi lại an toàn.
Đối với các vị trí sạt lở tại tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới và đường Quốc lộ 49 qua các địa phương, ngành giao thông đã huy động phương tiện, máy móc và nhân lực xử lý nhiều khối đất đá trên mặt đường. Đến chiều nay, đã thông tuyến trở lại. Chỉ còn một số điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ khắc phục tạm thời để lưu thông, về lâu dài cần nguồn kinh phí lớn mới có thể xử lý triệt để.
Riêng tuyến Quốc lộ 1A - đỉnh Bạch Mã (Lộc Trì, Phú Lộc), thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, mưa lớn từ ngày 15-18/10 đã làm sạt lở nghiêm trọng taluy âm tại Km12+900 với chiều dài 55m, sâu hơn 50m, phá hủy hoàn toàn kết cấu kè, mặt đường và làm đứt toàn bộ tuyến đường nối từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã, các phương tiện không thể lưu thông.
Tại các điểm sạt lở taluy âm do mưa bão cuối năm 2020 chưa được sửa chữa đến nay tiếp tục bị sạt lở, đặc biệt tại vị trí Km12+ 800 có nguy cơ hư hỏng kết cấu mặt đường.
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, sau khi mưa lớn chấm dứt, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã thực hiện kiểm tra xác định các thiệt hại và đưa ra biện pháp xử lý, khắc phục trước mắt như hốt dọn đất đá sơ bộ, chặt dọn cây gãy đổ dọc tuyến. Kiểm tra, thanh thải nạo vét những cống bị chèn lấp bởi đất đá, đảm bảo thoát nước cho tuyến đường Quốc lộ 1A - đỉnh Bạch Mã.
Thực hiện lắp các biển cảnh báo điểm sạt lở và dựng trụ tiêu, sử dụng dây cảnh báo khoanh vùng khu vực nguy hiểm, thông báo tạm dừng việc lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A – đỉnh Bạch Mã, trừ những trường hợp khẩn cấp và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Về lâu dài, đối với các điểm sạt lở cũ trên tuyến Quốc lộ 1A – đỉnh Bạch Mã vào cuối năm 2020, đã được phê duyệt chủ trương duy tu, bảo dưỡng các công trình quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên năm 2022 theo Quyết định số 210/QĐ-TCLN-KHTC ngày 6/9/2021.
Đối với điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km 12+900 tuyến Quốc lộ 1A – đỉnh Bạch Mã là trường hợp bất khả kháng do thiên tai chưa có trong kế hoạch. Việc sửa chữa cần kinh phí lớn, Vườn Quốc gia Bạch Mã không tự cân đối được nên đang đề xuất hỗ trợ từ ngân sách để khắc phục kịp thời, chống sạt lở lây lan.
Chủ động di dân và cứu hộ cứu nạn
Từ đầu mùa mưa bão đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh liên tục phát đi thông báo, cảnh báo các địa phương về các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở trên địa bàn, nhằm có phương án chủ động di dân và cứu hộ cứu nạn trong tình huống cần thiết.
Phú Lộc với đặc điểm địa hình nhiều vùng bán sơn địa; một bên núi, một bên đầm phá bố trí dọc các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B, nhiều địa phương đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi. Xã Lộc Bình nhiều năm nay, tuyến Quốc lộ 49B chạy ngang qua địa bàn xã - nối ra trục hầm Phước Tượng - là trọng điểm của vùng trượt lở núi, lấp đường. Hoạt động khai thác keo tràm ở khu vực này cũng tạo nên những đường cắt ngang dọc (đường vận chuyển keo tràm khi khai thác) trên núi, làm tăng nguy cơ sạt lở.
Tại các điểm nguy cơ sạt trượt núi, sông ở khu vực thôn Bình An 2 (Lộc Vĩnh, Phú Lộc); thôn Tà Rinh, A Tin (Thượng Nhật, Nam Đông), địa phương đã cắm biển cảnh báo sạt lở và tổ chức di dân liên tục theo các đợt mưa lớn, bão lũ nhằm đảm bảo an toàn.
Theo ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nhằm phòng tránh thiệt hại về người và tài sản là hết sức cần thiết. Từ năm 2015, nhằm hạn chế thiệt hại do tác động của thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí, ổn định dân cư giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến 2025. Trên cơ sở đó, thông qua các nguồn vốn, các địa phương từng bước di dân ra khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.
Mưa lớn trong những ngày qua tiếp tục làm sạt lở nhiều điểm trên khu vực biển, các con sông lớn. Cụ thể, sạt lở sông Bồ qua địa bàn các phường, xã Hương Vân, Hương Xuân (Hương Trà), Quảng Phú, Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền) với chiều dài 3km; sụt lún trên sông Hương qua phường Hương Hồ, Thủy Bằng (TP. Huế) dài 200m, làm nguy cơ ảnh hưởng đến các tuyến giao thông và mất đất sản xuất nông nghiệp dọc các con sông này.
Bài, ảnh: Hà Nguyên