Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, từ ngày 1/11/2018 sẽ bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Khi bán hàng hay cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hay cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, các doanh nghiệp có thời gian 24 tháng để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng hóa đơn điện tử. Do đó, việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử sẽ phải hoàn thành trước ngày 1/11/2020.
Chính thức chuyển hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử từ ngày 1/11/2020
Một trong những điểm mới của Nghị định này là hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng phải dùng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính với một số hộ, cá nhân kinh doanh. Những máy tính tiền này sẽ kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Đây là các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi.
Còn các hộ kinh doanh trong những lĩnh vực này không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử.
Nghị định 119 cũng quy định 5 trường hợp không phải sử dụng hóa đơn điện tử, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn; hộ cá nhân kinh doanh dưới ba tỉ đồng; doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh; các trường hợp khác cần thiết.
Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, việc áp dụng hóa đơn điện tử tại Nghị định 119 không nhắm vào các hộ kinh doanh nhỏ chỉ đủ nuôi sống gia đình mà khách hàng không có yêu cầu hóa đơn như bán quà sáng… sẽ vẫn nộp thuế khoán, không bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử
“Nghị định chỉ tập trung vào những hộ lớn. Đây là những hộ sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Điều này nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và tránh tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Lo ngại về việc khi thực hiện chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử có thể gây khó khăn cho người nộp thuế trong khâu kiểm tra, xác minh hàng hóa khi đang trên đường vận chuyển, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Nghị định 119 cũng đã quy định về trường hợp bất khả kháng do sự cố thiên tai, ảnh hưởng tới việc truy cập mạng Internet dẫn đến không truy cứu được dữ liệu hóa đơn.
“Chúng tôi đã trình Chính phủ áp dụng đối với 2 trường hợp. Trường hợp chứng từ giấy là bản sao của chứng từ hóa đơn điện tử, người có thẩm quyền kiểm tra hàng hóa thực hiện kiểm tra căn cứ vào chứng từ này và tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác định hóa đơn điện tử của doanh nghiệp”, ông Huy cho hay.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử đang có điều kiện rất thuận lợi khi có tới 99,9% doanh nghiệp đã kê khai điện tử với cơ quan thuế và trên 95% đã nộp thuế điện tử. Hiện, cơ quan thuế đã triển khai các bước chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất như: máy móc, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, điều kiện về con người để áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các cục thuế địa phương tập huấn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cài đặt phần mềm để sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo VOV