Với dây chuyền công nghệ này, rác thải sinh hoạt được đưa vào bể chứa rác, ủ từ 5-7 ngày trong điều kiện áp suất âm. Từ bể chứa rác tách nước rỉ từ rác thu gom đưa về trạm xử lý nước thải; khí và mùi hôi được hút đưa vào lò đốt. Rác được đưa đến lò đốt bằng băng tải, lò đốt dạng ghi đa cấp. Nhiệt từ quá trình đốt rác chuyển qua nồi hơi quay turbin điện phát điện. Khí thải từ lò đốt rác qua tháp phản ứng để xử lý theo phương pháp phun vôi, than hoạt tính và qua túi vải xử lý tro bay, sử dụng máy hút khói thải ra ngoài bằng ống khói. Tro xỉ từ lò đốt được băng tải chuyển đến nơi xử lý, chế tạo gạch. Tất cả hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ từ khâu nhận rác đến kết thúc sau quá trình xử lý được đặt trong nhà bao che kiên cố; hệ thống dây chuyền công nghệ được tự động hóa.
Công nghệ này đáp ứng các tiêu chí cơ bản về môi trường và kinh tế. Từ khâu nhận rác, xử lý rác, xử lý các phát sinh thứ cấp từ rác thải như: mùi không được khuếch tán ra ngoài nhà máy, xe chở rác khi ra khỏi khu vực tập kết rác phải đảm bảo sạch và được khử trùng, xử lý nước rỉ rác, khí thải, công nghệ sản xuất các sản phẩm từ rác… Công nghệ này phù hợp với thành phần, tính chất rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đó là rác chưa được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao.
Để sau khi lắp đặt đưa vào vận hành đảm bảo hiệu quả, theo những người có chuyên môn, dây chuyền thiết bị phải giải quyết triệt để rác thải đưa đến xử lý với tỉ lệ chôn lấp sau khi xử lý rác thấp, phát thải thứ cấp trong quá trình tiếp nhận, xử lý phải đảm bảo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường và có khả năng mở rộng, nâng cấp công suất xử lý khi lượng rác phát sinh đột biến.
Hiện nay, những bãi chôn lấp rác khi xây dựng đòi hỏi diện tích đất khá lớn. Do đó, để phù hợp xu hướng phát triển, cũng như tiết kiệm tài nguyên đất, việc xây dựng nhà máy cũng như lắp đặt hệ thống dây chuyền xử lý rác ở Phú Sơn yêu cầu sử dụng diện tích đất thấp, thời gian hoạt động nhà máy phù hợp, trung bình vòng đời của 1 dây chuyền công nghệ khoảng 20-22 năm.
Về tiêu chí kinh tế, sản phẩm thu được từ xử lý rác phải có tính thương mại cao. Đây là yếu tố rất quan trọng để hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, nhằm giảm giá thành xử lý rác mà tỉnh phải chi trả là không quá 400 nghìn đồng/tấn rác, đảm bảo tính khả thi của dây chuyền công nghệ.
Ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị (BQL KVPTĐT) tỉnh cho biết, hiện BQL KVPTĐT tỉnh và tổ kỹ thuật thực hiện trình tự, thủ tục tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ phù hợp tiêu chí lựa chọn của tỉnh để thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Phú Sơn. Đến nay, BQL KVPTĐT tỉnh đã nhận được 16 hồ sơ quan tâm từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Phía hội đồng thẩm định và tổ kỹ thuật cũng đã đề xuất UBND tỉnh kế hoạch đi kiểm tra, khảo sát thực tế các nhà máy xử lý rác đã đi vào hoạt động của các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ quan tâm hợp lệ, phù hợp với công nghệ xử lý rác thải đã được UBND tỉnh phê duyệt trước khi thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo đúng tiêu chí, đúng luật.
Bài, ảnh: Liên Minh