Ở Việt Nam, du lịch làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, thẩm nhận các giá trị truyền thống và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống đó. Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống các làng nghề truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng, hội tụ nhiều yếu tố phù hợp để xây dựng thành các làng nghề truyền thống gắn liền với lĩnh vực du lịch. Đây được đánh giá là lợi thế nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
Môi trường cho nghề đúc đồng là vấn đề bức xúc đã được đặt ra từ lâu. Ảnh: HK
|
Toàn tỉnh có 88 làng nghề, trong đó có 25 làng nghề truyền thống phát triển gắn liền với phục vụ du lịch, được chia thành 6 nhóm theo sản phẩm cụ thể như: nhóm sản phẩm mây tre đan, nón lá, tranh giấy và hoa giấy, gốm nung, mộc mỹ nghệ, đúc đồng.
Trong các làng nghề truyền thống đó, số lượng chủ thể tham gia sản xuất trong giai đoạn 2008-2012 khoảng hơn 2.000 chủ thể với quy mô và cách thức sản xuất khác nhau. Có những nhóm sản phẩm cần có quy mô, tính chất sản xuất lớn, cố định, nhưng lại khó chuyển đổi sang ngành nghề khác như gốm nung, mộc mỹ nghệ và đúc đồng. Ngược lại, các nhóm sản phẩm như mây tre đan, nón lá và tranh giấy, hoa giấy có số lượng chủ thể tham gia sản xuất kinh doanh biến động qua các năm do tính chất, quy mô sản xuất dễ thay đổi, dễ đầu tư, quay vòng vốn nhanh…
Các hộ gia đình và các chủ thể tham gia sản xuất tại các làng nghề truyền thống trên do thiếu vốn, thiếu trình độ và nhận thức chưa đầy đủ và đúng về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh môi trường tại nơi sản xuất, vì vậy một điều đáng chú ý là dân cư làng nghề đang sống chung với ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở sản xuất này chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; không thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp đến khu vực quy định để xử lý mà đổ tùy tiện xung quanh khu vực cụm công nghiệp; chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường… Phân tích của cơ quan chức năng về các chỉ số ô nhiễm cụ thể cho thấy, ở một số làng nghề hàm lượng SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép từ 48-60 lần, hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 113-230 lần, hàm lượng NO2 vượt chuẩn 50-76 lần… Nước thải từ các làng nghề có nhiều chất dư thừa, độ màu cao đều xả ra môi trường.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm ở các làng nghề là rất phức tạp, đòi hỏi thời gian, sự can thiệp của các cơ quan chức năng, trong đó khó nhất là không thể xử lý bằng cách xóa bỏ làng nghề.
Trước thực trạng đó, cần phải phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên Huế bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch không gian làng nghề truyền thống gắn liền với phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, lấy quản lý cấp phường (xã) làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường, giáo dục nâng cao hiểu biết cho người dân làng nghề, để họ nhận thức cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường đắt gấp nhiều lần so với lợi nhuận kinh tế đem lại. Để từ đó họ thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi, chung tay bảo vệ môi trường.
Thứ hai, về phía các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình ở các làng nghề cần chú ý xây dựng, cải tạo nhà xưởng, tổ chức không gian thông thoáng tự nhiên tại nơi lao động. Trang bị các dụng cụ an toàn lao động, thiết bị thu gom bụi, hút khí tại các vị trí xả khí độc hại; về công nghệ và thiết bị sản xuất là phải thay thế các thiết bị cũ kỹ, áp dụng công nghệ mới ít chất thải, hạn chế tiếng ồn, sử dụng các công nghệ có khả năng giảm thiểu các hóa chất độc hại, cụ thể:
+ Để giảm thiểu ô nhiễm bụi tại các cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống mà chủ yếu do các công đoạn cưa, bào, đánh bóng sản phẩm… thì cần phải bố trí mặt bằng sản xuất hợp lý, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại. Chỗ phát sinh bụi sẽ được bao che kín, lắp đặt đường ống thu gom bụi có lắp miệng hút vào hệ thống bao che, toàn bộ bụi gỗ sẽ được hút qua hệ thống đường ống bởi quạt hút ly tâm đặt bên ngoài.
+ Để giảm thiểu khí thải từ các lò nung gốm thì nên hạn chế sử dụng than đá, thay bằng nguyên liệu có chất lượng hơn như: sử dụng công nghệ nung và lò điện hay ga có hiệu suất cao, chất lượng sản phẩm tốt hơn.
+ Để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn tại cơ sở sản xuất ở các làng nghề thì phải bố trí riêng mặt bằng sản xuất hợp lý, lắp đặt bao che ngoài để hạn chế bụi phát sinh ra bên ngoài; đồng thời, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho công nhân lao động như găng tay, khẩu trang, kính, mũ, ủng, quần áo, nút bịt tai.
+ Để giảm thiểu ô nhiễm do nước thải thì đối với nước thải sản xuất, cần xây dựng mương thu gom nước thải, kiên cố xung quanh khu vực này để thu gom nước thải tránh nước thải chảy tràn ra xung quanh, sau đó đưa về hệ thống xử lý; đối với nước thải sinh hoạt (chủ yếu nước thải vệ sinh toilet của đội ngũ công nhân làm việc và du khách tham quan) phải được xử lý trong bể tự hoại 2, 3 ngăn và đầu ra sẽ cho thoát ra cống thải chung, không cho thấm đất, đồng thời thu gom nước thải sinh hoạt và nước thải sau xử lý.
+ Để giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn, giấy vụn, bìa, carton, bao bì, nhựa, thùng gỗ… được tập trung lại đem bán phế liệu, còn các loại chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ khác được chứa trong thùng rác có nắp đậy và hàng ngày công ty môi trường đô thị đến thu gom, vận chuyển đến bãi rác.
+ Phải trồng cây xanh. Đây là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế các nguồn cây ô nhiễm môi trường của xưởng ra khu vực xung quanh. Việc bố trí cây xanh thích hợp sẽ có tác dụng lọc bụi và hạn chế tiếng ồn. Vì vậy, các cơ sở sản xuất trong khu vực làng nghề, cũng như ban quản lý làng nghề cần phải chú trọng vào việc trồng cây xanh và được bố trí trong khuôn viên làng nghề hợp lý. Tăng cường giáo dục ý thức vệ sinh môi trường và vệ sinh y tế cho toàn bộ công nhân, đồng thời, những cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ lao động cho nghệ nhân, công nhân; đào tạo và cung cấp thông tin về vệ sinh, an toàn lao động; có chương trình kiểm tra, khám tuyển và giám sát định kỳ về sức khỏe cho nghệ nhân, công nhân để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp để điều trị kịp thời; đảm bảo đạt tiêu chuẩn về các yếu tố vi khí hậu cũng như các điều kiện lao động do Bộ Y tế ban hành để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.