UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.
|
Hướng dẫn người dân dùng điện thoại thông minh. Ảnh: MC |
Mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn cho biết: Chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được tỉnh thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo thông tin và tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn.
Việt Nam đang tăng tốc trong hành trình chuyển đổi số và điện thoại thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. “Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm thì trước hết phải trang bị phương tiện cho người dân, thông qua việc thực hiện phổ cập điện thoại di động thông minh. Trong sự chuyển mình đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo không bị bỏ lại phía sau”, ông Sơn nói.
Phổ cập smartphone rõ ràng là một nhu cầu bức thiết, thậm chí làm nền tảng, cả cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, của tỉnh lẫn nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ngay từ năm 2010, Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo nghiên cứu chỉ rõ rằng, điện thoại di động có thể giúp người nghèo thế giới ra khỏi cảnh nghèo khó.
Đến nay, nước ta đã hoàn thành mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại và đang hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại thông minh.
Theo Thông tư của Bộ TT&TT, tiêu chí ưu tiên hộ gia đình được nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh theo thứ tự: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời là gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời là gia đình chính sách xã hội.
Kinh phí thực hiện chương trình ở tỉnh được trích từ nguồn vốn chương trình viễn thông công ích, nguồn ngân sách tỉnh, nguồn huy động hợp pháp và nguồn lực xã hội hóa.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực và các điều kiện khác để triển khai thực hiện kế hoạch nhằm đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách có nhu cầu được hỗ trợ điện thoại thông minh. Các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu đảm bảo chương trình hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng, không để phát sinh khiếu kiện, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
|
Các nhà mạng đang có nhiều chính sách trợ giá smartphone cho khách hàng |
Người dân phấn khởi, nhà mạng đồng hành
Đến cuối năm 2022, Thừa Thiên Huế còn hơn 11.700 hộ nghèo và hơn 10.800 hộ cận nghèo. Thông tin hộ nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh khiến nhiều người dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo phấn khởi. Bởi, sự hỗ trợ này giúp họ có cơ hội sử dụng các dịch vụ tiện ích khác từ thiết bị thông minh.
Giám đốc Chi nhánh MobiFone tỉnh Phan Văn Hoài thông tin, trong 2 tháng 11, 12/2023, đơn vị đã triển khai chương trình trợ giá kèm gói ưu đãi dung lượng (Data) khi mua điện thoại thông minh với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Trong đó, smartphone trợ giá 1 triệu đồng/máy và trợ giá cho khách hàng đang sử điện thoại 2G chuyển sang dùng 4G là 300 ngàn đồng/máy.
“Chúng tôi cũng đang đề xuất xin Tổng công ty hỗ trợ các chương trình, chính sách ưu đãi mới cho khách hàng trong năm 2024”, ông Hoài cho biết.
Giám đốc VNPT tỉnh Nguyễn Nhật Quang chia sẻ: VNPT đang trợ giá điện thoại thông minh 500 ngàn đồng/máy cho các thuê bao thuộc đối tượng theo quy định. Ngoài ra, Quỹ Viễn thông công ích vẫn đang hỗ trợ cước phí dịch vụ điện thoại cố định, di động cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa thông qua nhà mạng.
Viettel trợ giá 50% cho khách hàng khi mua thiết bị đầu cuối hoặc trợ giá đến 700 ngàn đồng khi nâng cấp điện thoại 4G cho người thân.
Về phía Sở TT&TT, đơn vị được tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, để triển khai hiệu quả và công bằng, Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, các địa phương cần phát huy tính trách nhiệm, chủ động của chính quyền và xây dựng các chính sách phù hợp cho từng địa phương, đơn vị.
“Liên quan đến hỗ trợ đúng đối tượng, tỉnh đang thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, đồng thời xác minh qua cơ sở dữ liệu dân cư để đảm bảo thông tin chính thống, chính xác, sau khi hoàn thành thống kê sẽ tổng hợp danh sách gửi ra Bộ TT&TT để đăng ký số lượng được hỗ trợ. Sở cũng đang tiến hành song song các hoạt động, chương trình kêu gọi hỗ trợ gói cước điện thoại cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, để khuyến khích người dân sử dụng smartphone, cùng các chính sách tốt khác cho các nhóm đối tượng khác”, ông Sơn thông tin.