ClockThứ Bảy, 09/07/2022 13:30
THIẾU HẠ TẦNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TẬP TRUNG Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP:

Không thể chần chừ - Kỳ 2: Hết hiệu lực cho “lời hứa suông”

TTH - Theo quy định tại Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, những KCN, cụm CN nào chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì không được cấp phép cho dự án thứ cấp đi vào hoạt động. Quy định mới này được xem là chiếc "vòng kim cô" để tăng năng lực quản lý của Nhà nước và trách nhiệm BVMT của cộng đồng doanh nghiệp.

Thiếu hạ tầng xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp: Không thể chần chừ - Kỳ 1: Doanh nghiệp lo một, người dân lo mười

Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lấy mẫu nước khi nhận được phản ánh của người dân về việc một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phong Điền xả nước thải gây ô nhiễm môi trường

Không còn thời gian "đủng đỉnh"

Ông Lê Văn Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế giãi bày, công ty đã đầu tư hệ thống XLNT nội bộ và vận hành xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là do chưa có nhà đầu tư hạ tầng trong KCN Phú Đa đầu tư hệ thống XLNT tập trung nên nước thải của công ty sau xử lý đang thải "bừa" ra môi trường mà không có hệ thống thoát đảm bảo, kể cả nước mưa cũng không có đường thoát mà chảy tràn ra... chỗ thấp.

Không riêng đơn vị chuyên may mặc như Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế lo lắng và trông đợi có hệ thống XLNT tập trung được đầu tư trong KCN, mà gần 10 DN khác ở KCN Phú Đa cũng như nhiều DN tại các KCN như Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ... đều đang lo chuyện nước thải ra không có đường thoát, hệ thống thoát đảm bảo.

Doanh nghiệp sẽ yên tâm và nâng cao năng suất sản xuất khi có hạ tầng xử lý nước thải tập trung

Theo quy hoạch, KCN Phong Điền có 2 nhà đầu tư hạ tầng đảm nhiệm đầu tư 2 hệ thống XLNT tập trung với tổng công suất 20.000m3/ngày đêm. Trong đó, hệ thống XLNT tập trung KCN Phong Điền - Viglacera của nhà đầu tư hạ tầng Viglacera đã thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch của chủ đầu tư bị kéo dài. Dự kiến, hoàn thành và đưa vào vận hành module 1, công suất 2.000m3/ngày đêm trong quý IV/2022. Hệ thống XLNT tập trung Khu C - KCN Phong Điền có công suất 5.000m3/ngày đêm do Công ty TNHH C&N Vina Huế Hàn Quốc làm chủ đầu tư cũng đã hợp đồng xây dựng với đơn vị tư vấn để triển khai xây dựng, nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, khó khăn về di chuyển nên chưa triển khai theo kế hoạch. Công ty cam kết sẽ hoàn thành trạm XLNT trong năm nay.

Trong thời gian các hệ thống XLNT tập trung tại KCN Phong Điền chưa đi vào vận hành, các dự án đầu tư tại đây đã tự đầu tư công trình XLNT nội bộ, đảm bảo theo quy định trước khi thải ra môi trường như: Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế), Công ty Scavi Huế, Công ty CP Đầu tư Phenikaa, Công ty CP Prime Phong Điền, Công ty CP Frit Hương Giang, Công ty CP Frit Phú Xuân.

Dù đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ, nhưng Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế vẫn đau đầu tìm đường thoát nước do chưa có hệ thống xử lý tập trung

Tại KCN La Sơn (Phú Lộc), nhà đầu tư hạ tầng đang thực hiện các thủ tục liên quan đến xây dựng và môi trường để khởi công Trạm XLNT tập trung, công suất 1.800m3/ngày đêm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong quý III/2022.

Riêng KCN Phú Đa và KCN Quảng Vinh hiện chưa có nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, nên chưa có hệ thống XLNT tập trung KCN. Vì thế, khi kêu gọi đầu tư, Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp (BQL KKT, CN) tỉnh yêu cầu trong giai đoạn trước mắt, các nhà đầu tư thứ cấp phải đảm bảo tự XLNT đảm bảo quy chuẩn của Bộ TN&MT trước khi thải ra môi trường.

Thoáng về chính sách hỗ trợ đầu tư

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Xây dựng, TN&MT - BQL KKT, CN tỉnh cho biết, tỉnh và BQL KKT, CN tỉnh đang rất quan tâm kêu gọi đầu tư đối với các dự án hạ tầng và hệ thống XLNT với các chế độ chính sách hỗ trợ riêng cho từng hạng mục. Vẫn biết trách nhiệm đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống XLNT tập trung KCN thuộc về chủ dự án đầu tư hạ tầng KCN. Song, BQL cũng rất thúc đẩy việc xây dựng các công trình hạ tầng XLNT. Đối với các KCN chưa có công trình XLNT tập trung, BQL yêu cầu các nhà máy, DN phải tự đầu tư hệ thống XLNT nội bộ và phải xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; lập hồ sơ xin cấp phép xả thải ra môi trường trước khi có hoạt động xả thải.

Thời gian qua, để khuyến khích đầu tư, BQL KKT, CN tỉnh đã tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành quy định hỗ trợ ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho chủ đầu tư hạ tầng KCN khi đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung KCN, cũng như dự án có đầu tư công trình XLNT tuần hoàn, hóa hơi để không thải ra môi trường.

Vừa qua, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 01 ngày 25/1/2022, thay thế Nghị quyết số 01 ngày 31/3/2017. Theo đó, đối với hệ thống XLNT tập trung, chủ đầu tư được hỗ trợ 20% chi phí xây lắp và thiết bị hoặc 20 triệu đồng/m3 công suất xử lý ngày đêm cho dự án XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn cột A QCVN 40: 2011/BTNMT nhưng không quá 20 tỷ đồng. Đối với hệ thống XLNT tuần hoàn, không xả thải ra môi trường thì được hỗ trợ 30% chi phí xây lắp và thiết bị hoặc 30 triệu đồng/m3 công suất xử lý ngày đêm phần hệ thống xử lý nước hóa hơi hoặc tuần hoàn và không xả thải ra môi trường đối với dự án XLNT tập trung áp dụng công nghệ XLNT tuần hoàn, không xả thải ra môi trường, nhưng tối đa không quá 50 tỷ đồng cho một dự án.

Đối với dự án thứ cấp, các dự án đầu tư sản xuất có công trình XLNT sử dụng công nghệ tái sử dụng nguồn nước thải tuần hoàn và không xả nước thải ra môi trường thì nhà đầu tư được lựa chọn chính sách hỗ trợ: 30% chi phí xây lắp và thiết bị hoặc 30 triệu đồng/m3 công suất xử lý ngày đêm phần hệ thống xử lý nước hóa hơi hoặc tuần hoàn và không xả thải ra môi trường, nhưng tối đa không quá 50 tỷ đồng cho một dự án.

"Đặc cách" nhưng trong chừng mực

Đến nay, tại các KCN đã thu hút 97 dự án đầu tư thứ cấp với tổng diện tích thuê đất khoảng 503,1ha; trong đó, có 74 dự án đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 300ha. Hoạt động thu hút đầu tư cũng như SXKD ở các KCN đang sôi động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để đảm bảo phải có hệ thống XLNT tập trung trong KCN để cấp phép các dự án thứ cấp vào hoạt động.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT thừa nhận, đây là một thực trạng chung trên địa bàn toàn tỉnh. Trước đây, theo quy định tại Nghị định 40 cũng buộc phải có hạ tầng XLNT mới được cấp phép đầu tư, tuy nhiên có điều kiện xem xét, tức là điều kiện "mở" đi kèm. Nhưng nay, theo Nghị định 08, cụ thể tại Điều 49 thì hoàn toàn không được phép đầu tư hoạt động nếu không có hệ thống XLNT thải tập trung.

Về phía đại diện BQL KKT, CN tỉnh cho rằng, vấn đề này, với một số dự án đặc biệt, khi chưa có nhà đầu tư hạ tầng vào hoạt động trong KCN thì tỉnh và BQL sẽ xem xét cụ thể từng dự án một với quy mô, với tính chất và phải là một dự án động lực thì tỉnh sẽ có cơ chế đặc thù, linh động cho các dự án này. Có thể là cho thuê đất trực tiếp khi chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Nhưng yếu tố cốt lõi là phải xây dựng trạm XLNT riêng cho dự án đó và phải đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn của Bộ TN&MT quy định trước khi thải ra môi trường. Tất nhiên trường hợp này khá hiếm và sẽ chỉ một vài dự án động lực thì tỉnh mới có chủ trương này; còn lại yêu cầu tiên quyết là phải có nhà đầu tư hạ tầng xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng mới kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Return to top