Tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, hành động về bảo vệ môi trường
Ngồi uống cà phê quán bên đường, tôi thảnh thơi dõi mắt quá trình gom nhặt, quét rác của một anh lao công. Tất bật, đều tay, một đoạn phố nơi anh đi qua đã không còn một cọng rác. Thế nhưng, điều làm tôi và nhiều người “cụt hứng” và chướng mắt khi chỉ ít phút sau xe gom rác vừa đi, một phụ nữ xách túi rác từ nhà ra thả xoạch ngay bên vệ đường.
Có lẽ đây đã là thói quen của không ít người dân. Họ chưa ý thức được việc nên đổ rác đúng giờ quy định. Họ chưa nhận thức được hành vi bỏ rác không đúng giờ, đúng chỗ sẽ làm mất mỹ quan, làm xấu hình ảnh đô thị xanh. Họ thiếu sự cảm thông với nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người đi thu gom rác khi thành quả công sức đã bị “cướp mất” chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Không cần làm gì to tát và chưa cần tham gia vào cấp độ vĩ mô, với người dân, chỉ cần mỗi người có ý thức và hành động ở cấp địa phương, địa bàn với những việc làm nhỏ, vừa sức nhưng có ý nghĩa tích cực như: ngăn xảy ra ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; chăm sóc, trồng mới cây xanh; bảo vệ rừng, sinh cảnh; không xả rác và gom nhặt rác trên sông, suối, ao hồ, dọc bãi biển... đã là hành động thiết thực thể hiện ý thức văn minh, cử chỉ giữ gìn môi trường sống.
Mỗi người dân chỉ cần mỗi ngày bớt dùng vài chiếc túi ni lông, ly nhựa, hộp xốp khó phân hủy sử dụng 1 lần... thì đã tiết kiệm được một phần tài nguyên thiên nhiên, giảm đi một lượng rác thải ra và bớt đi gánh nặng cho lao công, cho việc vận chuyển và một phần nhỏ dung tích để chứa rác.
Thực tế, nhiều người vẫn còn bàng quan và ỷ lại vào đơn vị dịch vụ, đội ngũ làm vệ sinh môi trường vì họ cho rằng họ đang đóng phí để được phục vụ mà quên rằng, thực ra, mức phí mỗi hộ gia đình trả cho đơn vị vệ sinh môi trường vẫn chưa đủ để chi trả cho hoạt động thu gom, chứ đừng nói đến phí vận chuyển, xử lý. Hiện nay, nhà nước vẫn còn bao cấp một khoản lớn chi phí tiền xử lý rác thải.
Lâu nay, qua hệ thống điều hành thông minh Hue-S đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý phạt nguội những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo Nghị định 155 của Chính phủ và sắp tới đây từ ngày 1/7/2021 sẽ có Nghị định 55 thay thế Nghị định 155. Tuy đánh vào tài chính, song vẫn chưa triệt để và toàn diện do hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng, con người để thực thi vẫn còn thiếu, yếu. Thế nên, tình trạng xả rác thải, chất thải bừa bãi, đổ rác không đúng nơi, đúng giờ quy định vẫn còn phổ biến.
Hữu hiệu nhất theo những người làm công tác quản lý và đơn vị cung ứng dịch vụ là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức và kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống xanh- sạch- đẹp hơn.
Thực hiện phương châm này, từ đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế triển khai thí điểm mô hình nhặt rác ban ngày tại các tuyến đường trung tâm TP. Huế bằng xe đạp điện trợ lực. Hành trình của mỗi chiếc xe này không chỉ nhặt rác mà còn kết hợp “Mỗi người công nhân là một tuyên truyền viên” để tuyên truyền đến mỗi người dân việc bỏ rác đúng nơi, đúng giờ và bắt đầu thói quen phân loại rác tại nguồn để khởi động kế hoạch của TP. Huế, của tỉnh về phân loại rác tại nguồn.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN