|
Lãnh đạo Bộ KH&CN và các địa phương trong vùng nhấn nút khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024 |
Nhận diện hạn chế, điểm yếu
Techfest vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung năm 2024 là sự kiện trong khuôn khổ Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025" do Bộ KH&CN chủ trì triển khai dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST) trên toàn quốc.
Sự kiện lần này là dịp để tham vấn cơ chế chính sách cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và được nhiều ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước chia sẻ, trao đổi, thảo luận, giải quyết những vấn đề ưu tiên trong việc kết nối nguồn lực, thúc đẩy KNST, phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Đến nay, Việt Nam ước tính có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp KNST. Năm 2024, hệ sinh thái KNST của Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Hoàng Minh nhấn mạnh, đặc trưng tạo nên điểm mạnh của hệ sinh thái KNST Việt Nam được các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao chính là sự vào cuộc và quan tâm của cả hệ thống chính trị, sức trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, hội nhập quốc tế và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách về KHCN và ĐMST. Nhất là ĐMST và KNST còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu cũng như trong thực thi các chính sách, pháp luật.
|
Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn và trong vùng vẫn còn đơn lẻ |
Đồng quan điểm, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN chỉ ra tồn tại, các chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy KNST, chính sách thu hút nguồn lực về tài chính, chuyên gia, công nghệ mới từ các tập đoàn quốc tế vào địa phương và khu vực còn thiếu và yếu. Việc liên kết, hợp tác vùng trong huy động nguồn lực còn rời rạc. Chưa có các trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ, khu công nghệ cao đủ tiềm lực để dẫn dắt và định hướng hệ sinh thái KNST. Tiềm năng tài nguyên bản địa, tài sản trí tuệ lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế.
Dù đã có nhiều doanh nghiệp KNST hình thành và phát triển, nhưng quy mô của hoạt động KNST trên địa bàn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành động lực, công cụ tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng. Hệ quả là hoạt động hệ sinh thái KNST chưa đi vào chiều sâu, thiếu các dự án, ý tưởng, dự án khởi nghiệp để khai thác giá trị tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới...
Lấy thế mạnh làm đòn bẩy
Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghệ, mô hình kinh doanh mới, lan tỏa tinh thần KNST trong cộng đồng. Thành quả của nỗ lực kiến tạo, đồng hành đó là tỉnh được vinh danh "Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp", "Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp ĐMST" và được Bộ KH&CN đánh giá xếp thứ 2/14 tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung về chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2023.
Tuy bước đầu gặt hái được thành quả, song không riêng Thừa Thiên Huế, để cùng giải quyết các "bài toán" phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung dựa trên ĐMST, KNST, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần định vị ngành, lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh có khả năng phát triển của vùng dựa vào ứng dụng KHCN, ĐMST và chuyển đổi số một cách thực chất, đúng hướng và bền vững.
Trong đó, cần tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp mới. Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển lâm nghiệp gắn với nâng cao giá trị kinh tế rừng sản xuất kết hợp với phát triển du lịch, vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải...
|
Cần sự liên kết vùng để huy động nguồn lực mạnh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo |
Trong thời điểm Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì sự kiện Ngày hội KNST Techfest vùng là một diễn đàn quan trọng để các nhà đầu tư, các chuyên gia, các nhà khoa học sẵn sàng hiến kế, tiếp tục đóng góp trí tuệ cũng như có những dự án, mô hình KNST mới góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, trong đó có Thừa Thiên Huế. Đây còn là cơ hội để kết nối, thu hút nguồn lực, các tổng công ty, tập đoàn lớn tham gia đầu tư. Qua đó, tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung.
Dịp này, Bộ KH&CN cũng đề nghị Thừa Thiên Huế và các địa phương trong vùng tăng cường liên kết vùng với các sáng kiến, hoạt động gắn chặt với định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tạo thuận lợi chuyển dịch các nguồn lực, khai thác lợi thế bản địa ở từng địa phương cho KHCN và ĐMST nói chung, cho KNST nói riêng. Từ đó, gia tăng hơn nữa đóng góp của KHCN và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước.