Từ đầu tháng 3, chính phủ và các công ty trên toàn cầu khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà như một biện pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan. Cùng thời gian đó, Hàn Quốc, quê hương của Samsung - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, công bố số lượng linh kiện bán dẫn xuất khẩu tăng 20%.
Chuyên gia Park Sung Soon của công ty phân tích thị trường Cape Investment & Securities lý giải, việc ngày càng nhiều người học tập và làm việc tại nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát, cũng như nhu cầu sử dụng Internet cao, khiến các trung tâm dữ liệu phải nâng cấp hạ tầng để tránh tình trạng quá tải.
Một quan chức của Bộ Thương mại Hàn Quốc nhận xét trên Reuters rằng sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây cùng xu hướng làm việc từ xa ở Mỹ và Trung Quốc là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy nhu cầu chip máy chủ.
Tại Nhật Bản, nhà sản xuất máy tính xách tay Dynabook cũng cho biết doanh số tăng trưởng mạnh, một phần nhờ các công ty khuyến khích nhân viên ở nhà. NEC, đối thủ của Dynabook, tích hợp hệ thống loa lớn hơn trên sản phẩm, phù hợp cho nhu cầu họp trực tuyến.
Ngoài ra, hãng bán lẻ thiết bị điện tử JB Hifi của Australia cũng chứng kiến nhu cầu mua sắm thiết bị gia dụng và hỗ trợ làm việc từ xa tăng nhanh vài tuần qua
Xu hướng làm việc từ xa thúc đẩy nhu cầu dành cho chip, laptop và thiết bị mạng.
Giới phân tích nhận định, Trung Quốc đang là thị trường dẫn đầu về nhu cầu chip do các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Alibaba, Tencent gấp rút mở rộng để phục vụ nhu cầu trong nước.
"Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc đã mở nền tảng của họ, cho phép khách hàng mới và cũ sử dụng miễn phí nhiều tài nguyên hơn để giúp duy trì hoạt động", nhà phân tích Yih Khai Wong của Canalys cho biết. "Động thái này đặt ra tiền lệ cho các công ty công nghệ trên toàn thế giới cung cấp các dịch vụ dựa trên đám mây để hỗ trợ các tổ chức bị ảnh hưởng bởi Covid-19".
Dữ liệu từ DRAMeXchange cho thấy, việc Trung Quốc mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây là một trong những nguyên nhân đẩy giá chip tăng cao, như giá DRAM tăng 6% từ ngày 20/2.
Ngân hàng đầu tư UBS dự báo, giá trị trung bình của các hợp đồng mua bán chip DRAM sẽ tăng 10% trong hai quý đầu tiên của 2020, đặc biệt chip dành cho máy chủ tăng 20%. Trong cả năm 2020 và 2021, nhu cầu chip máy chủ có thể tăng 31%.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tăng giá chip là mối lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. "Rất nhiều OEM và nhà cung cấp hệ thống tích hợp có nhu cầu cao về chip nhớ trên thị trường toàn cầu", Andrew Perlmutter, Giám đốc chiến lược tại ITRenew, nói. "Dù không công ty nào phải đóng cửa, hoạt động sản xuất diễn ra như bình thường, nhưng mọi người vẫn lo lắng về nguy cơ thiếu nguồn cung".
Kết quả cuộc thăm dò vào 13/3 của IPC International chỉ ra, 69% nhà sản xuất thiết bị điện tử báo cáo về tình trạng giao hàng chậm của nhà cung cấp trong khoảng ba tuần. Các công ty tham gia khảo sát đó dự kiến chuỗi cung ứng chip sẽ phục hồi vào quý III/2020.
Theo vnexpress.net