|
|
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ |
Thưa ông, các thiết chế phục vụ hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến nay đã được đầu tư, phát triển như thế nào?
Lâu nay chúng tôi luôn đặt “doanh nghiệp là trung tâm” trong các chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, và DN cũng là thành tố chính trong hệ sinh thái KNĐMST, vừa là lực lượng thúc đẩy, đồng hành, hỗ trợ ĐMST. Vì ngoài DN, các thành tố tham gia vận hành hệ sinh thái KNĐMST và đóng góp vào những thành quả của KNĐMST còn có Nhà nước, nhà trường, các tổ chức nghiên cứu, nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, các nhà cung cấp dịch vụ, các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức tài trợ vốn, các chuyên gia... việc xây dựng thiết chế phục vụ KNĐMST còn là sự đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp. Qua đó huy động nhiều đối tượng, thành phần tham gia, góp phần tạo nên các mảnh ghép để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh hơn.
Doanh nghiệp là trung tâm KNĐMST. Cần những điều kiện nào để thu hút lực lượng này tham gia ngày càng mạnh?
Thừa Thiên Huế hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, hệ sinh thái KNĐMST chỉ mới giai đoạn đầu, số lượng DN khởi nghiệp, đặc biệt là DN KNĐMST, khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới vẫn còn rất ít. Do vậy, việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Lấy DN làm trung tâm, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực nhằm tạo động lực cho các DN KNĐMST hình thành và phát triển. Ngoài việc tổ chức các cuộc thi KNĐMST, ngành sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các DN đầu tư chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút DN tham gia ĐMST. Đồng thời, ngành đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KNĐMST mở kết nối xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ cao...
Được tạo điều kiện, nhưng có vẻ kết quả hoạt động KNĐMST vẫn còn chưa mạnh và chưa đạt được như mong muốn, vậy nguyên nhân do đâu?
Đây cũng là điều mà chúng tôi vẫn còn trăn trở. Hiện nay, các startup, DN khởi nghiệp vẫn chưa có sự bứt phá mà nguyên nhân chủ yếu là do số lượng DN còn ít so với tiềm năng của tỉnh và chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ. Ngoài ra, tinh thần hỗ trợ cho hoạt động KNĐMST của DN đi trước còn rất ít nên vẫn chưa có nhiều sự hỗ trợ, dẫn dắt các DN khởi nghiệp đi sau vượt qua những khó khăn gặp phải khi phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên thị trường...
Nhìn chung trình độ công nghệ của các DN trên địa bàn tỉnh khá thấp, nhất là trong DN vừa và nhỏ. Nguồn cầu công nghệ trên địa bàn chưa rõ ràng, tỷ lệ DN có nhu cầu đổi mới công nghệ còn thấp. Các chính sách thu hút đầu tư tuy đã có nhiều nỗ lực của các sở, ban, ngành nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho hoạt động đầu tư phát triển vẫn còn khó khăn. Một vấn đề nữa là sự thành công của các startup đang còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố về nguồn nhân lực, kiến thức, kỹ năng quản trị, kết nối hệ sinh thái KNĐMST, các chính sách của Nhà nước cũng như sự kết nối với giới đầu tư trong nước và quốc tế, với các đối tác…
Ngoài ra, hoạt động KNĐMST trên địa bàn vẫn còn hạn chế, trong đó chưa phát huy được các giá trị tài sản trí tuệ dựa trên các sáng chế, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để khởi nghiệp hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc thương mại hóa hiệu quả nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chưa phát triển mạnh.
Làm cách nào để gỡ vướng cũng như phát triển hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Trên cơ sở xác định chiến lược phát triển hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn tỉnh, Đề án Cố đô khởi nghiệp sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và hoạt động, hướng vào những hỗ trợ thiết thực nhất cho các ý tưởng và dự án khởi nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vai trò của các thành phần hệ sinh thái ĐMST rất quan trọng và quyết định sự thành công của chiến lược phát triển ĐMST của tỉnh.
Chúng tôi đặt ra một số giải pháp chính để phát triển hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp. Thứ nhất, cần có sự lãnh đạo nhất quán trong định hướng và hành động, huy động sự vào cuộc của các thành tố của hệ sinh thái ĐMST, cơ quan nhà nước, trường học, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng DN, các tổ chức ươm tạo. Đồng thời, chú trọng phát triển hoạt động đào tạo, trang bị kiến thức về khởi nghiệp, kỹ năng điều hành sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ công nghệ và từng bước phát triển công nghệ của DN, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường.
Thứ hai, Nhà nước cần kiến tạo môi trường thúc đẩy, hỗ trợ cho DN khởi sự kinh doanh, KNĐMST, các đề án phát triển trong các ngành tiềm năng, đặt ra các bài toán để DN tham gia vào các ngành trọng điểm. Trong đó tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các ý tưởng, dự án và DN khởi nghiệp về du lịch, công nghệ thông tin, truyền thông, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh học, du lịch, y tế; phát triển hệ sinh thái KNĐMST là tiền đề quan trọng thúc đẩy các DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của tỉnh, nhằm kiến tạo, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và kinh tế sáng tạo, hướng đến xây dựng tỉnh phát triển bền vững.
Ba là, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho DN đổi mới công nghệ tái cơ cấu năng lượng sản xuất, kinh doanh. Định hướng phát triển hệ sinh thái KNĐMST mở kết nối xúc tiến chuyển giao công nghệ mới, phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ, góp phần quảng bá các xu hướng công nghệ mới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thứ tư, đa dạng nguồn lực theo hướng mô hình KNĐMST mở để thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực từ các làng công nghệ; thu hút các startup đến khởi nghiệp, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khởi nghiệp tại Huế; kết nối các hoạt động DN với cộng đồng KNĐMST trong nước và quốc tế.
Thứ năm, cần xem trọng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, xem đây là hướng đi chủ đạo gắn nhà khoa học với DN. Ưu tiên hỗ trợ các dự án khoa học và công nghệ, ý tưởng KNĐMST cho các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Huế.
Xin cảm ơn ông!