ClockThứ Hai, 08/07/2013 05:32

Rác thải, bèo tấn công các dòng sông ở Huế

TTH - Những năm trở lại đây, cứ đến hè, nhiều mặt sông, hồ ở Huế bị phủ kín bèo lục bình, rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, nhất là cảnh quan khu vực nội thành Huế. Mặc dù hằng năm, T.P Huế vẫn đều đặn trích ngân sách hàng trăm triệu đồng để phục vụ công tác trục vớt bèo, rác, song việc làm này chưa được giải quyết triệt để.

Ý thức người dân là số một

Sống ở nội thành, hằng ngày tôi vẫn thường ra vào một số cửa thuộc Kinh thành Huế, ngang qua các khúc sông và tận mắt chứng kiến cảnh tượng bèo lục bình cộng với đủ các loại rác thải phủ kín mặt nước. Lâu ngày, nước ở đây càng trở nên đen đục, bốc mùi hôi và ruồi muỗi phát sinh dày đặc. Anh Đặng Khương, sống ở đường Đào Duy Từ, cạnh cầu cửa Đông Ba than vãn về tình trạng ô nhiễm môi trường đang từng ngày ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của gia đình anh và nhiều hộ xung quanh khu vực. Do bèo, rác thải không được thu vớt, nước sông không được khơi thông, nên mùi hôi, ruồi muỗi cứ thế tấn công vào nhà, ảnh hưởng cả đến việc kinh doanh hàng đặc sản, phục vụ khách du lịch.

Các lực lượng ra quân vớt bèo, rác trên Hộ Thành Hào - Kinh thành Huế

Không riêng các sông đào, hồ ở khu vực nội thành, ngay cả các khúc sông lớn như Ngự Hà, Phát Lát, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến... cứ vào mùa hè là tình trạng bèo nổi, rác nổi ngập mặt nước. Sở dĩ vẫn tồn tại và không thể xử lý triệt để là do suốt một thời gian dài, nguồn nước thải sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa qua xử lý được xả thẳng xuống sông, hồ, tạo môi trường thuận lợi cho một số loại bèo sinh trưởng và phát triển nhanh chóng. Nhiều đoạn sông còn bị bồi lấp bởi việc xây dựng nhà cửa, xả thải vô ý thức... khiến dòng chảy không được khơi thông, nước nhiễm bẩn ứ đọng trên một số khúc sông cũng là nguyên nhân làm cho bèo sinh sôi ngày càng nhiều.

Thời gian trước, để trục vớt bèo, làm sạch, thông thoáng các đoạn sông, hồ, hằng năm T.P Huế phải trích ngân sách hàng trăm triệu đồng phân bổ về cho một số phường trực tiếp phục vụ xử lý. Tuy nhiên, do các phường không có phương tiện cũng như nguồn nhân lực để thực hiện thường xuyên và bài bản, nên hiện nay, nhiệm vụ này được giao cho Công ty TNHH NNMTV Môi trường và Công trình Đô thị Huế (gọi tắt HEPCO) trục vớt, thu gom xử lý.

Do tác động của môi trường và ý thức của người dân, nên bèo, rác phát sinh rất nhanh. Một mình HEPCO không thể đảm đương xuể việc trục vớt bèo, thu gom rác trên các sông, nên thỉnh thoảng, một số đơn vị, đoàn thể tổ chức ra quân trục vớt. Tuy nhiên, việc huy động này chỉ đem lại kết quả trên diện hẹp. Một số đoạn sông có lượng bèo dày đặc như sông Như Ý, Phát Lát, Bạch Yến... vẫn không được xử lý triệt để.

Đồng bộ và thường xuyên

Việc làm sạch bèo trên các sông, hồ không hề đơn giản và chỉ trong ngày một ngày hai mà phải thường xuyên và đồng bộ. Để thu được hiệu quả cao, các phường cần tổ chức đồng loạt và thường xuyên trên các tuyến sông chảy qua địa phận mình, đồng thời có giải pháp khơi thông dòng chảy, hạn chế bèo phát triển lây lan. Nhiều địa phương dù đã làm rất tốt, nhưng chỉ cần đơn vị liền kề không bắt tay làm cùng là bèo, rác cứ thế “xâm chiếm” địa bàn. Đơn cử như đoạn sông Ngự Hà chảy qua phường Thuận Lộc. Khắc phục tình trạng này, một số phường buộc phải nghĩ ra cách mua cọc tre, lưới giăng ở một số đoạn sông để ngăn cản cây rau màu lan ra sông, tạo lưu thông dòng chảy, đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa ngăn bèo phía thượng lưu trôi về.

Một cách làm hay của phường Thuận Lộc đó là thay vì trước đây, hằng năm phường tổ chức thu lệ phí hoa lợi nông sản của các hộ, đơn vị tham gia sản xuất trên các đoạn sông, hồ để chi trả các loại phí, trong đó có phí thu gom, trục vớt bèo, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, thay vì không thu khoản phí này, phường đã giao trách nhiệm cho các hội viên trực tiếp làm sạch hồ để vừa phục vụ sản xuất nuôi trồng, vừa đảm bảo môi trường cho các hộ dân quanh khu vực. Mùa này, nhiều mặt hồ ở khu vực nội thành bắt đầu được thả trồng sen, trồng hoa súng, giúp người dân, khách du lịch có thêm những điểm đẹp để thưởng ngoạn, kinh doanh dịch vụ. Cách làm này đã phần nào giải quyết được tình trạng bèo, rác tù đọng ở các hồ, đoạn sông qua địa bàn. Với số lượng 11 hồ trên địa bàn phường Thuận Lộc, hiện nay, tình trạng bèo rác ứ đọng đã được giảm thiểu đáng kể.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, có hai vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường các sông hiện nay đó là rác thải, bèo, sinh vật ngoại lai và giấy tiền, vàng mã và quá trình nạo vét một số tuyến sông còn dang dở ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Cùng với đó là việc xả thải của người dân chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Hiện tượng đốt, thả giấy tiền, vàng mã trên sông đã làm giảm đi hình ảnh đẹp của T.P Huế. Để giải quyết những vấn đề này, ý thức thị dân vẫn là “số một” và tiếp đến là nguồn lực tài chính.

Một tin vui cho các dòng sông ở Huế là từ vốn vay của Quỹ Bảo vệ môi trường, T.P Huế đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án nạo vét sông Đông Ba, Ngự Hà và hói Phát Lát. Các dự án này hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo thông thoáng dòng chảy, hạn chế ngập úng nhiều ngày, bồi lắng lòng sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin, hiện tỉnh có trên 6.000 DN đang hoạt động. Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử như TikTok, Sendo, Tiki, Lazada và Shopee... tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số
Vận dụng các thiết chế thúc đẩy phát triển công nghệ số

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số đang là cơ hội vàng thúc đẩy phát triển các ngành nghề, lĩnh vực và kinh tế - xã hội của địa phương. Để tận dụng những lợi thế tốt nhất, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghệ thông tin (CNTT).

Vận dụng các thiết chế thúc đẩy phát triển công nghệ số
Tăng tốc chuyển đổi số cùng AI

Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2024 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội” được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) ứng dụng AI, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Dương Anh đã có những chia sẻ về hoạt động quan trọng này với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Tăng tốc chuyển đổi số cùng AI
Return to top