Việt Nam là một trong 25 nước có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với khoảng 20-30 nghìn loài thực vật, trong đó gần 4.000 loài cây thuốc. Riêng miền Trung Việt Nam có dãy Trường Sơn hùng vĩ chiếm hơn 70% diện tích rừng bao phủ đang chứa đựng nguồn tài nguyên cây thuốc vô cùng quý giá. Vùng rừng Thừa Thiên Huế với điều kiện khí hậu và địa hình cũng tạo nên một hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú, với nhiều loài gỗ và lâm đặc sản có giá trị cao, trong đó có các loài cây dược liệu.
Theo kết quả điều tra thành phần loài cây dược liệu tại một số vùng điển hình ở Vườn quốc gia Bạch Mã của Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực sinh học cùng cộng tác viên đã thu mẫu và giám định được 112 loài thuộc 58 họ thực vật khác nhau, chưa kể khoảng hơn 10 loài người dân địa phương thường dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền.
Phân loại theo công dụng làm thuốc, số loài điều tra được xếp thành các nhóm trị bệnh: đường tiêu hoá (15 loài), tiết niệu (14 loài), phụ khoa (10 loài), đường hô hấp (6 loài), tai mũi họng (5 loài), ngoài da (17 loài), sốt rét (4 loài), trị bệnh thông thường và các bệnh khác (62 loài) và nhóm thuốc bổ (9 loài).
Dù địa bàn nghiên cứu hẹp, chưa đại diện cho toàn vùng, nhưng kết quả cho thấy dược liệu ở rừng Bạch Mã rất phong phú và đa dạng.
Nhiều năm qua, hầu như người dân chỉ có thói quen khai thác nguồn cây dược liệu về dùng mà chưa có cơ chế, chính sách để trồng, phục hồi những loài cây hữu ích phục vụ cuộc sống, sức khỏe con người.
Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), những năm gần đây, nhiều công ty, nhà sản xuất đi theo hướng sản xuất các thuốc bổ trợ, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu... từ dược liệu. Vì vậy, cây dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn, có giá trị kinh tế cao hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Qua thăm dò, đánh giá tại một số vùng trong cả nước, nuôi trồng sản xuất dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Nhu cầu cần cung cấp cây thuốc trong nước ngày càng cao, ước tính khoảng 60 nghìn tấn mỗi năm. Nếu không được quy hoạch trồng hay trồng xen dưới tán rừng với quy mô lớn thì nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu này sẽ sớm xảy ra.
Tại Thừa Thiên Huế, lồng ghép trong những hợp phần của dự án về bảo tồn đa dạng sinh học rừng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu..., hoạt động trồng xen dưới tán rừng các loài cây dược liệu đang được thực hiện ở các địa phương. Mới đây, dự án Trường Sơn Xanh có tổng kinh phí gần 10 triệu USD do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại được triển khai ưu tiên tại 7 huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Hương Trà đã hướng dẫn người dân sống gần rừng, khu vực vùng đệm các khu bảo tồn tham gia trồng cây dược liệu với các giống cây bản địa tại địa phương, như: ba kích, bồng bồng, bách bệnh, thiên niên kiện...
Mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn nếu được nhân rộng sẽ đem lại nguồn lâm sản ngoài gỗ có giá trị, góp phần phát triển sinh kế và cung cấp sản phẩm dược liệu quý phục vụ nghiên cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân; đồng thời giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng.
Hoài Nguyên