ClockThứ Năm, 04/02/2016 16:03

Trồng lan không khó

TTH.VN - Đoan chắc, bất cứ ai từng đến vườn lan của Cty TNHHNNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Cty Tiền Phong) đều phải tần ngần trước sắc màu rực rỡ của các loại lan đại hồ điệp, dendro… được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến

Hai loại hoa lan đại hồ điệp và dendro độ này đang khoe sắc thắm, với nhiều gam màu vàng, đỏ, hồng, trắng, tím… Trong số đó phải kể đến các loại tím loang, vàng hoàng hậu, vàng chanh, ớt đại, vàng kẻ, trắng lưỡi đỏ, đỏ đại số 1, đỏ đại số 2…


Một góc vườn lan của Cty Tiền Phong

Là người mê hoa lan, biết nhiều loại hoa lan Hà Nội, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Phúc (phường Trường An) rất bất ngờ khi biết ở Huế có trồng hoa lan đẹp đến thế. Không những mua về chơi mà chị còn giới thiệu người thân đến mua về trồng.

Chị Lê Thị Thúy Nga-phụ trách Trung tâm Khoa học-Kỹ thuật nông lâm nghiệp thuộc Cty Tiền Phong cho biết, ý tưởng sản xuất các giống hoa lan của công ty bắt đầu từ năm 2009. Hồi đó, chủ yếu sản xuất các loại lan vũ nữ, ngọc điểm, nhất điểm hồng…, nhưng do chưa có nhà lưới, công nghệ cũng như điều kiện chăm sóc chưa tốt nên đã ngừng sản xuất.

Ngoài các loại lan đã có, Cty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong dự định sản xuất thêm lan mokara. Đây là loại hoa dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Các hộ có nhu cầu trồng các loại hoa lan thương phẩm có thể liên hệ với công ty để được chuyển giao giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Cách đây mấy năm, khi nhu cầu chơi lan của người dân ngày càng cao, thị trường lan hồ điệp, hay dendro lại khan hiếm, chủ yếu nhập từ Đài Loan nên công ty quyết định sản đầu tư gần 2 tỷ đồng, xây dựng hệ thống nhà lưới, công nghệ xử lý lạnh, nuôi cấy mô… để sản xuất hoa lan thương phẩm, trở thành cơ sở đầu tiên sản xuất hoa lan tại Huế. Quy mô vườn hoa lan của công ty hiện nay có 5 ngàn cây đại hồ điệp, 2 ngàn cây dendro. Dự kiến trong năm 2016 sẽ sản xuất 10-12 ngàn cây lan đại hồ điệp và 2 ngàn cây dendro, chị Nga nói.

Chia sẻ quy trình sản xuất lan nuôi cấy mô, chị Nga tự tin: “Với người trong nghề, có chuyên môn, kinh nghiệm thì đơn giản. Cây được nuôi cấy trong bình mô, phát triển đến kích cỡ quy định, sau đó đưa vào bầu... Khi cây phát triển đến độ sắp cho ra hoa thì chuyển sang xử lý bằng hệ thống lạnh ở nhiệt độ 16-18oC. Xử lý lạnh được xem là khâu quan trọng, quyết định chất lượng hoa lan. Nếu không đúng kỹ thuật, nhiệt độ thì hoa nở không đều, không đẹp, kích thước nhỏ… ”.

Theo chị Nga, với lan dendro thì kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản hơn lan đại hồ điệp. Lan dendro chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, cách hai tháng ra hoa một lần nên có thể cắt tỉa cành bán quanh năm. Trong khi lan đại hồ điệp mỗi năm chỉ ra hoa một lần vào dịp Tết, khó chăm sóc, ở nhiệt độ quá 28-30oC hoa sẽ chết, hoặc kém sinh trưởng, chất lượng hoa thấp. Vì vậy, theo khuyến cáo của chị Nga, hộ gia đình không có điều kiện chăm sóc, không có hệ thống xử lý lạnh thì nên chọn hoa dendro để trồng. Giá hiện nay, mỗi cây lan đại hồ điệp khoảng 100-170 ngàn đồng, còn dendro 45-55 ngàn đồng, tùy thuộc vào chất lượng và màu sắc của hoa.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan Huế: “Người dịch tốt, bản dịch sẽ hay”

“Cũng như tác giả của cuốn sách, người dịch cũng nâng niu tác phẩm như chính đứa con của riêng mình, lúc nào cũng cố gắng hết sức để đứa con của mình ra đời được trọn vẹn nhất có thể”. Võ Thị Hương Lan - cô gái Huế theo đuổi niềm đam mê dịch thuật đã tâm sự như thế khi nói về công việc mà mình đang theo đuổi.

Lan Huế “Người dịch tốt, bản dịch sẽ hay”
Return to top