Thực chất và hiệu quả
Bằng những ví dụ rất đời thường và sinh động, như mỗi người hãy thử trồng một chậu cây xanh trước bàn làm việc, giữ nhiệt độ chiếc máy điều hòa ở mức 24, 250C, không mãi xả nước vòi sen lúc tắm, tắt khóa khi chờ đợi 20, 30 giây đèn đỏ giao thông, không vứt rác bừa bãi gây tắc nghẽn ống cống... tưởng như nhỏ nhặt, nhưng rất thiết thực trong việc góp phần giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Đó là kinh nghiệm và văn hóa sống mà những giảng viên, tư vấn viên trong và ngoài nước truyền đạt và nhấn mạnh với chúng tôi trong suốt khóa tập huấn kỹ năng tuyên truyền về BĐKH được tổ chức tại Huế mới đây.
|
Trồng rừng ngập mặn ở đầm phá Tam Giang góp phần giảm thiểu và thích ứng với BĐKH
|
Cộng đồng người dân được xác định là chủ thể. Họ vừa là tác nhân, đồng thời cũng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi BĐKH. Vì thế, trước hết phải giảm thiểu lượng khí thải từ những hoạt động của con người nhằm giải quyết tác nhân căn bản gây nên BĐKH. Thứ hai là, thích ứng, né tránh và lợi dụng các tác động không thể tránh được tác hại của thiên tai và BĐKH để chung sống với tự nhiên một cách hòa bình. Dưới góc độ chuyên gia của UNESCO với nhiều kinh nghiệm tham vấn về BĐKH, thảm họa thiên tai, tư vấn viên Moustafa Osman cho rằng, để việc ứng phó với BĐKH trở nên thực chất, chúng ta cần địa phương hóa những vấn đề có tính toàn cầu, cá nhân hóa những câu chuyện của toàn nhân loại và kể câu chuyện về BĐKH bằng một câu chuyện cụ thể.
Cụm từ BĐKH, ứng phó với BĐKH được nhắc đến nhiều và đang được các cấp, ngành, giới quan tâm trong thời gian trở lại đây. Quan tâm bởi biểu hiện cực đoan, phức tạp, khó lường của thời tiết do tác động của BĐKH đang diễn ra khá rõ nét và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Việc ứng phó với BĐKH đang là nhiệm vụ rất cấp bách, nóng bỏng, thách thức đối với toàn nhân loại và đòi hỏi trách nhiệm cao của tất cả cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đơn vị và từng cá nhân trong xã hội.
Dự báo, Việt Nam sẽ chịu những tác động của BĐKH như: mực nước biển dâng, mất đất đai, mất một số loài động, thực vật, khí hậu cực đoan tăng lên, thảm họa tăng lên. Theo nhận định của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC), Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH và nước biển dâng. Kịch bản mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào tháng 4/2013, vào cuối thế kỷ 21, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập và gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, có 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dải ven biển Thừa Thiên Huế và tỉnh có thể mất đi một phần đất do nước biển dâng, kéo theo đó làm tăng quá trình xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu.
Trước những tác động trước mắt và lâu dài đó, việc đánh giá tổn thương do BĐKH đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng hệ sinh thái là việc làm quan trọng đầu tiên để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, nhà kỹ thuật... và toàn thể cộng động cùng nhận diện nguy cơ và chung tay xây dựng các giải pháp, kế hoạch thích ứng phù hợp với từng địa phương.
Xã hội hóa và đồng bộ hóa
Mới đây, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện “Chủ động ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và môi trường” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI). Ứng phó với BĐKH phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH là trọng tâm, coi giảm nhẹ là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Nhiều chương trình, dự án đã và đang triển khai đã phần nào giúp người dân ý thức và nhận diện được sự khôn lường của BĐKH và xác định được nguyên nhân chính của BĐKH là do con người, do hoạt động của phát triển kinh tế - xã hội để có thái độ ứng xử hợp lý. Nếu trước đây, người dân chỉ chú trọng phòng và khắc phục hậu quả, thì gần đây đã có sự chuyển hướng trong việc thích ứng và tìm giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Cụ thể như các mô hình sống chung với bão, lũ, mô hình sinh kế thích ứng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản ở các vùng ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Theo ông Đào Văn Cơ, Phó phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn - Sở Tài nguyên và Môi trường, các giải pháp thực hiện, trước hết phải xác định rõ và gắn trách nhiệm của mỗi “nhà” vào công cuộc ứng phó với BĐKH; từ nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà kỹ thuật thiết kế xây dựng các công trình cho đến các doanh nghiệp, nông dân... Đã đến lúc, phải đưa việc ứng phó với BĐKH trở thành cuộc sinh hoạt sâu rộng, lâu dài cho mọi người, mọi giới, mọi ngành cùng có trách nhiệm chung tay; đúc rút kinh nghiệm từ các nước cho thấy, chiến lược thích nghi riêng lẻ từng cá nhân, từng hộ gia đình sẽ không là giải pháp nếu không có được chiến lược của tập thể, của cả cộng đồng.
Cũng theo ông Đào Văn Cơ, công tác ứng phó với BĐKH được tỉnh đưa ra bàn nghị sự, song làm thế nào để cuộc chiến này thực sự đi vào đời sống, thực sự biến chủ trương thành hành động là vấn đề cần được cân nhắc, bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có kế hoạch hoàn chỉnh của từng ngành, từng địa phương. Trên cơ sở thực hiện chương trình mục tiêu của quốc gia, của tỉnh, tỉnh cần có tổ chuyên trách với những người có năng lực chuyên môn, tâm huyết, am hiểu thực sự để xâu chuỗi, làm đầu mối xây dựng, tổng hợp kế hoạch dự án về BĐKH.