SJC2 sẽ kết nối các nước gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuyến cáp này có kinh phí đầu tư khoảng 439 triệu USD, được góp bởi nhiều tên tuổi lớn trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin, bao gồm cả Facebook. Nhà mạng Việt Nam tham gia dự án này là VNPT.
Tổng chiều dài của SJC2 là 10.500 km, với 10 điểm cập bờ. Tại Việt Nam, điểm cập bờ đươc đặt tại thành phố Quy Nhơn, hiện đã hoàn thành việc thi công kéo cáp từ tháng 8/2019. Tuy nhiên, tiến độ của dự án bị ảnh hưởng một phần bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện các nhà thầu đang triển khai thi công các đoạn tuyến cáp còn lại, lắp đặt, đo thử thiết bị tại các trạm cập bờ để hoàn thành và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Tuyến cáp mới sẽ tăng tốc độ kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, san tải với các tuyến cáp biển hiện có, tăng độ an toàn mạng lưới. Internet đi quốc tế được cho là ít bị ảnh hưởng hơn nếu 1 hoặc 2 tuyến cáp biển gặp sự cố. SJC2 có dung lượng toàn hệ thống theo thiết kế là 126 Tb/giây. Trong đó, VNPT sở hữu dung lượng băng thông 9 Tb/giây.
Việc kéo cáp đến trạm cập bờ Quy Nhơn của SJC2 đã hoàn thành vào năm 2019
Việc có thêm dung lượng sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ Internet triển khai được các ứng dụng kết nối Internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao, như Internet vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo...
Viettel mới đây cũng đang đầu tư vào hệ thống cáp quang biển mới ADC, nối Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan. Điểm cập bờ Việt Nam cũng đặt tại Quy Nhơn. ADC có dung lượng băng thông 140 Tb/giây, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022.
Internet tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào hệ thống cáp quang biển, với 6 tuyến: IA, AAG, SMW3, APG, AAE-1, TVH. Vài năm gần đây, AAG, APG liên tục gặp sự cố. Sự cố mới nhất với AAG và APG xảy ra liên tục trong tháng 4 và 5, đến cuối tháng 6 mới được khắc phục xong.
Theo vnexpress.net