Tránh thất bại ngay từ đầu vẫn hơn
“Cảnh báo” với người trẻ dễ bị hấp dẫn khởi nghiệp bằng ngành ẩm thực, Lê Quý Trung cho thấy phần “thấy được” chỉ là phần nổi của tảng băng. Và chắc chắn, phần chìm dưới mặt nước luôn nhiều hơn. Ông vẽ ra một bức tranh phổ biến của một chủ nhà hàng lúc khởi nghiệp với những sắc màu thực tế: Thất bại nhiều hơn thành công, không ổn định về mặt bằng, chi phí đội rất nhiều so với dự tính và một chuỗi việc luẩn quẩn giữ chân chủ nhân hằng ngày.
Ông Lê Quý Trung trong "Chỉ có niềm đam mê"
Lê Quý Trung nói như vậy không phải để bàn ra hay để làm nhụt chí khởi nghiệp của bạn trẻ. Điều ông muốn nói: Có những ngành tưởng như rất "ngon ăn" nhưng thực tế rất khó nuốt cho người mới bắt đầu bước chân vào kinh doanh. Đó là những ngành đòi hỏi chi phí khá cao, công sức nhiều mà tỉ lệ thành công lại khiêm tốn. Bỏ ra nhiều tiền để khởi nghiệp là một việc làm khá rủi ro. Chưa kể có trường hợp phải đi vay mượn, cầm cố thì mức độ rủi ro càng lớn. Mở một quán cà phê hay tiệm ăn là một ví dụ rất điển hình. Bạn trẻ nên cân nhắc cẩn thận khi dấn thân vào đó. Nếu có, hãy kiên nhẫn trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để hạn chế rủi ro. “Thất bại là mẹ thành công. Nhưng tránh được thất bại ngay từ đầu vẫn tốt hơn”, tác giả Lê Quý Trung nhấn mạnh.
Suy nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ
Lê Quý Trung bắt đầu bằng câu chuyện về cách ông Larry Page (nhà đồng sáng lập Google) thực hiện ý tưởng xây dựng Google Books để nhắn gửi thông điệp: “Dù một doanh nhân đã thành công như thế nào cũng phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ và rất đời thường khi muốn khởi sự một dự án kinh doanh”. Để bắt đầu ý tưởng được các cộng sự cho là điên rồ lúc bầy giờ - đưa tất cả sách và tạp chí trên toàn thế giới lên mạng, Larry Page đã mua một máy scanner về đặt trong phòng làm việc, tự tay scan từng trang sách để đếm giờ và tính toán tính khả thi. Cứ thế, dự án khởi nghiệp kinh doanh này của Larry Page bắt đầu từng bước một và về sau đã thành công vang dội.
Từ câu chuyện này, Lê Quý Trung lại nghĩ đến các bạn trẻ khởi nghiệp và thấy rất liên quan đến tư duy “Suy nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ”. Ông diễn giải: “Nghĩ lớn không tốn tiền hơn nghĩ nhỏ. Nghĩ lớn không hẳn là phải nghĩ đến những ý tưởng kinh doanh vĩ đại, mà là nghĩ đến một bức tranh rộng lớn hơn, một con đường phía trước dài hơn, bền vững hơn chứ không ăn xổi ở thì”.
Mất chủ quyền – cái giá phải trả khi bị lệ thuộc
Đây là một trong những kinh nghiệm quý của Lê Quý Trung khi ông nói về việc huy động vốn, vấn đề mà hầu như bạn trẻ khởi nghiệp nào cũng quan tâm. Theo Lê Quý Trung, nguồn vốn khả thi nhất có lẽ phải đến từ chính bản thân hay người thân quanh mình. Người thân dù là họ hàng, anh em hay bạn bè thì vay mượn cũng phải trả. Vậy nên, ưu tiên hàng đầu vẫn là tiền của chính mình. Đơn giản vì vay mượn mà mất khả năng chi trả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ, trong đó có những mối quan hệ còn quý trọng hơn bất cứ giá trị tiền bạc nào. Chưa kể có một rủi ro tiềm ẩn khác, đó là nhiều người thân cho vay tiền dễ có khuynh hướng xen vô công việc hằng ngày của mình.
Có một cách huy động vốn phổ biến được ông Lê Quý Trung gợi ý, đó là mời gọi người cùng đầu tư với mình, hay còn gọi là “partner”. Tuy nhiên, phải chọn người hết sức cẩn thận, phải ăn ý, hợp gu như chọn bạn đời. “Tôi từng có nhiều partner thật tuyệt vời, nhưng cũng có không ít partner thật kinh khủng mà không thể nào "ly dị" được. Có trường hợp đành phải mua lại cổ phần của họ với bất cứ giá nào chỉ vì muốn được ngủ ngon. Do đó, kêu gọi người hùn hạp với mục đích huy động vốn chưa bao giờ là ưu tiên của tôi. Mất chủ quyền luôn là cái giá phải trả khi phải lệ thuộc vào người khác”, Lê Quý Trung nhấn mạnh.
Lê Quý Trung tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành quản trị nhà hàng và khách sạn tại Úc. Sau đó lấy bằng tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Mỹ. Hiện ông sống cùng vợ và hai con tại Sydney và bắt đầu hành trình khởi nghiệp lần thứ hai vào năm 2015 với một tiệm ăn nhỏ. “Chỉ có niềm đam mê mới có thể giúp tôi vượt qua tất cả để bắt đầu lại từ đầu mà vẫn thấy hạnh phúc. Nhưng có một điều quan trọng hơn mà tôi muốn nói với các bạn trẻ khởi nghiệp, là niềm đam mê dù có lớn đến đâu đi nữa cũng không đủ để mở một nhà hàng thành công. Nó đòi hỏi nhiều thứ khác nữa, mà trong đó kinh nghiệm và kiến thức là hai thứ tối thiểu. Và trong cuộc chơi có thể thắng hoặc thua này, chắc chắn ai cũng cần đến sự may mắn. Nhưng là may mắn theo cách nói của tay golf huyền thoại Gary Player: Càng luyện tập thì cảm thấy mình may mắn hơn”, tác giả “20 điều chia sẻ của người khởi nghiệp” đúc rút và chia sẻ.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN