Hỗ trợ các tác giả có ý tưởng khởi nghiệp giới thiệu ý tưởng
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương sớm triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái KNĐMST, sau khi đề án KNĐMST của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Tuy nhiên, so với các trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội lớn ở hai đầu đất nước, hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế hoạt động còn rời rạc, chưa có không gian làm việc chung và chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh về kinh nghiệm và nguồn lực tài chính tham gia.
Năm 2019, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu sẽ hỗ trợ phát triển ít nhất 6 dự án KNĐMST, ít nhất 4 doanh nghiệp KNĐMST và có ít nhất một doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư. Chủ động xây dựng hệ sinh thái KNĐMST ngày càng phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ đã sớm phối hợp với Đại học Huế, các trường thành viên và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về cuộc thi KNĐMST. Theo bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, mong muốn lớn nhất của các hoạt động kết nối là tạo được không gian mà ở đó tất cả các bộ phận của hệ sinh thái KNĐMST có thể trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ nhau để cùng đi dài hơn, xa hơn trong hành trình xây dựng hệ sinh thái này.
Trình bày ý tưởng khởi nghiệp
“Nắm trong tay” đến 50.000 sinh viên, Đại học Huế tạo thêm lợi thế khó so sánh của Thừa Thiên Huế về nguồn nhân lực để KNĐMST. Năm 2018, Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và KNĐMST trong đội ngũ các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Đại học Huế. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi nhằm hỗ trợ các cán bộ, giảng viên, sinh viên và các đối tượng khác hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tự tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển. Để hoạt động hỗ trợ KNĐMST ngày càng có hiệu quả, Đại học Huế đã xây dựng được không gian làm việc chung có sức chứa cùng lúc 200 người, đào tạo được 5 khóa giảng viên nguồn về KNĐMST, phát triển đội ngũ cố vấn khởi nghiệp, kết nối mang lưới cố vấn cao cấp, kết nối nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế, phát triển mạng lưới truyền thông…
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương - Phó Giám đốc Đại học Huế, chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong muốn trong hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh và của Đại học Huế có một không gian làm việc chung. Với những nguồn lực mà Trung tâm KNĐMST của Đại học Huế đang có, chúng tôi rất sẵn sàng tham gia các hoạt động kết nối của tỉnh để hỗ trợ tích cực các dự án/ý tưởng KNĐMST. Riêng với những dự án/ý tưởng KNĐMST ở khu vực nông thôn, nếu cần, Đại học Huế sẵn sàng hỗ trợ không gian làm việc và kết nối chuyên gia, cố vấn để dự án/ý tưởng ấy được hỗ trợ rút ngắn thời gian kiểm chứng, hoàn thiện ý tưởng và thúc đẩy ươm mầm”.
Là đối tác quan trọng của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng hệ sinh thái KNĐMST, ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh giá cao hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế hiện nay. Chuyên gia Phạm Duy Hiếu ví hệ sinh thái KNĐMST như “mảnh đất” để ươm mầm các dự án/ý tưởng khởi nghiệp. Những “mầm” ấy có thành “cây” được hay không, tốc độ nhanh hay chậm, phụ thuộc rất lớn vào sự “màu mỡ” của đất. Lúc nào mảnh đất ấy có nhiều doanh nghiệp đến để tìm xem và mua những ý tưởng, có những chuyên gia cố vấn đến tìm nhận học trò để truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng…, thì lúc đó hệ sinh thái KNĐMST mới vô cũng màu mỡ và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh nảy nở. Ông Phạm Duy Hiếu nhìn thấy hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế đang ngày càng trở thành chất đất có dinh dưỡng tốt hơn. Ở đó, ngày càng có nhiều doanh nhân đến và đóng góp giá trị, cơ hội của mình. Đây chính là cơ hội để các hạt giống của Thừa Thiên Huế được nuôi dưỡng, ươm mầm và trưởng thành dễ dàng hơn.
“Nhưng trong suốt quá trình ấy, tôi có một lời khuyên với các bạn đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp, rằng đừng bao giờ bỏ cuộc. Bởi vì chỉ cần kiên trì và hành động, kết quả dù được hay mất, thắng hay thua, các bạn vẫn có bài học cho riêng mình. Chính bài học ấy sẽ đưa bạn quay trở lại để chỉnh sửa cái gì đó, có thể là sản phẩm, đội ngũ, hay mô hình kinh doanh… và bạn lại tiếp tục hành trình mới. Không dừng hành động thì bạn sẽ luôn có những bài học mới. Những bài học ấy sẽ thúc đẩy bạn lên tầm cao mới và hãy luôn tin rằng, một ngày nào đó ý tưởng mà bạn đang theo đuổi sẽ trở thành ý tưởng triệu đô”, chuyên gia Phạm Duy Hiếu truyền cảm hứng.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN