Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Sạch và thân thiện
Vốn là giáo viên tiếng Anh nhưng với đam mê nghiên cứu dược liệu từ khi còn là sinh viên, chị Nguyễn Thị Trà My thường mày mò tự làm chất tẩy rửa sử dụng trong gia đình nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Thấy nhiều người xung quanh gặp nhiều vấn đề về tóc, da, chị tự hỏi mình đang có giải pháp, tại sao lại không chia sẻ? Từ đây, chị Trà My mạnh dạn khởi nghiệp bằng các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên.
Năm 2019, Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My ra đời, chuyên sản xuất, phân phối và kinh doanh các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình từ dược liệu, như: dầu gội, sữa tắm, dung dịch vệ sinh, nước lau chùi đa năng, nước rửa chén, son môi, xà bông, tinh dầu, nước rửa tay…
“Tập trung vào những sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên, tôi luôn tâm nguyện mang những sản phẩm chất lượng, an toàn nhất có thể đến với người sử dụng, góp phần thay đổi lối sống lành mạnh của mọi người bằng cách sử dụng các sản phẩm chứa các thành phần có trong tự nhiên, vừa an toàn cho sức khỏe vừa không ảnh hưởng đến môi trường”, chị Trà My bày tỏ.
Sau bao năm theo đuổi triết lý “nông nghiệp trí thức”, sản phẩm của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hoàng Mai (M.A.I Organics) không chỉ được khách hàng hào hứng đón nhận, mà còn được phân phối rộng rãi trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Khởi xướng là những người yêu nông nghiệp sạch, sản phẩm của doanh nghiệp này không sử dụng hóa chất độc hại, sản phẩm không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat, kháng sinh.
Chị Hoàng Thanh Mai, người đồng sáng lập M.A.I Organics chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại miền Trung chuyên cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đề cao chất lượng, chúng tôi đảm bảo nông sản luôn tươi và sạch từ lúc sản xuất đến khi giao tận tay khách hàng”.
Ngoài thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, M.A.I Organics còn phân phối những bộ đồ ăn được làm từ lá nho biển, mo cau, gỗ, tre, cỏ thay cho đồ nhựa dùng một lần nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Xu thế tất yếu
Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My và Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hoàng Mai là hai mô hình khởi nghiệp xanh, áp dụng mô hình KTTH tại Thừa Thiên Huế. Tại các triển lãm, trưng bày sản phẩm kinh tế xanh, sản phẩm của hai doanh nghiệp này luôn được nhiều người quan tâm bởi tính sạch và an toàn. Đây cũng là hai mô hình được Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh ươm tạo, hỗ trợ phát triển theo mô hình KTTH.
Ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, hiện nay, trung tâm đang ươm tạo và hỗ trợ cho 30 doanh nghiệp chuyển đổi theo mô hình KTTH. Sau các khóa đào tạo, nhận thức doanh nghiệp bắt đầu thay đổi. Họ xem lại quá trình sản xuất để thay đổi cách thức, tái sử dụng hoặc tuần hoàn trong sản xuất, vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng cũng ý thức được dùng sản phẩm này thân thiện với môi trường, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.
Cũng theo ông Hải, khởi nghiệp xanh là mô hình khởi nghiệp trong đó đề cao giá trị tuần hoàn và tái sử dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Hiện nay, phong trào khởi nghiệp xanh, ứng dụng mô hình KTTH tại Thừa Thiên Huế đang lan tỏa. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi tỉnh định hướng phát triển kinh tế xanh, KTTH. Hơn nữa, khi doanh nghiệp chuyển đổi theo mô hình KTTH, sẽ tiết kiệm chi phí dựa trên việc sáng tạo ra các vòng tuần hoàn, các giá trị tích cực mỗi lần sử dụng hay tái sử dụng vật liệu, sản phẩm trước khi đến giai đoạn tiêu hủy cuối cùng.
Không giống với nền kinh tế truyền thống, KTTH là một hệ thống ngay từ bước thiết kế vật liệu, sản phẩm, quy trình hoạt động và mô hình kinh doanh đã hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng hóa chất và chất thải độc hại. Quan trọng hơn, khi doanh nghiệp phát triển quy mô lớn, xuất khẩu ra thị trường EU, Mỹ hay các nước tiên tiến, những yêu cầu chứng chỉ đầu vào rất cao. Điều này liên quan chặt chẽ đến KTTH, sản phẩm phải sạch và tuần hoàn trong quá trình sản xuất.
“Các sản phẩm của doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế đa phần liên quan đến nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ… sử dụng nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng môi trường thấp, có thể tái sử dụng theo KTTH thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp hiện nay là thiếu công nghệ và logistics. Câu chuyện thị trường cũng là khó khăn chung của phong trào khởi nghiệp. Việc tham gia chuyển đổi số, thương mại điện tử vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu các đơn vị đại lý chuyên nghiệp để hỗ trợ bán hàng”, ông Hải nhấn mạnh.
Khó khăn nhất với doanh nghiệp là vấn đề phân phối thị trường. Các sản phẩm thiên nhiên, sạch được người tiêu dùng đón nhận. Họ ý thức đó là sản phẩm tốt, an toàn nhưng khi so sánh giá với hàng công nghiệp thì chưa cạnh tranh được. Theo chị Trà My, tại Huế, người dân quen sử dụng các chất tẩy rửa công nghiệp, giá cả cũng rất cạnh tranh. Vì vậy, cần có sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương về các chính sách, cách truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Sản phẩm được đón nhận là vấn đề then chốt để nâng cao hiệu quả KTTH.
Bài, ảnh: Minh Hiền