ClockChủ Nhật, 08/07/2018 07:59

Thay đổi tư duy để khởi nghiệp

TTH - Nhân chuyến công tác đến Huế để giảng dạy “Chương trình đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Kankyo Việt Nam, cố vấn chương trình khởi nghiệp Quốc gia trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần xung quanh vấn đề khởi nghiệp ở ĐH Huế.

Ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Kankyo Việt Nam, cố vấn chương trình khởi nghiệp Quốc gia

Điều gì khiến một số cơ sở giáo dục ĐH chưa phát triển phong trào khởi nghiệp, thưa ông?

Quá trình hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp ở các trường ĐH, chúng tôi thấy vấn đề khởi nghiệp không dễ. Với sinh viên, khởi nghiệp càng khó hơn do các bạn chưa có định hướng rõ ràng nên mỗi khi gặp khó khăn thường bỏ cuộc giữa chừng. Chúng tôi đã cố vấn cho nhiều dự án ở các trường. Dù đạt giải thưởng ở một số cuộc thi nhưng gặp khó khăn khi khởi nghiệp nhiều bạn bỏ cuộc và các dự án gần như bỏ dở. Quyết tâm là một trong các yếu tố then chốt cho nhà khởi nghiệp trẻ, nếu các bạn không dám hy sinh đánh đổi để quyết tâm thì phần lớn là thất bại.

Một vấn đề nữa ở các trường ĐH là liên quan nghiên cứu khoa học (NCKH). NCKH tạo nền tảng rất tốt và có thể sử dụng các kết quả của NCKH để khởi nghiệp nhưng lâu nay thường tập trung các hoạt động NCKH theo các đề án của Bộ và ít đưa được sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, có những phương thức để thay đổi vấn đề này. Nếu coi sản phẩm nghiên cứu như những ý tưởng, hạt giống ban đầu thì nhiệm vụ là cần xây dựng đội ngũ những người đưa sản phẩm ấy ra thị trường, đó là các giảng viên, sinh viên nghiên cứu kết hợp cùng nhân sự từ doanh nghiệp để tạo thành đội, nhóm. Vướng mắc lớn nhất là cơ chế để phân chia quyền lợi thế nào cho hợp lý. Tôi nghĩ, có thể định giá NCKH bằng tiền hoặc tính theo phần trăm doanh thu sản phẩm bán ra. Hoặc biến sản phẩm NCKH thành một phần tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Trung chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các giảng viên ĐH Huế

Theo ông, điều mà các trường ĐH, sinh viên cần và thiếu để có thể khởi nghiệp là gì?

Chúng tôi thấy ở nhiều trường ĐH hiện nay chưa xây dựng được phong trào và thành lập được nhiều đội, nhóm để khởi nghiệp.

Trong khởi nghiệp ĐMST, việc xây dựng đội nhóm rất quan trọng, chẳng hạn một nhóm khởi nghiệp mà đội, nhóm chỉ gồm những người giỏi trong một lĩnh vực thì khó hiệu quả. Nhóm phải từ những người cùng chí hướng, mỗi người giỏi mỗi lĩnh vực, là sự kết hợp của kỹ thuật, công nghệ, tài chính, marketing. Điều này cần thay đổi tư duy của các nhóm khởi nghiệp ở các trường ĐH cả từ giảng viên lẫn sinh viên.

ĐH Huế là ĐH vùng, đa ngành đa lĩnh vực. Đây có thể lợi thế để xây dựng đội, nhóm nhằm phát triển khởi nghiệp không, thưa ông?

Lợi thế chỉ hình thành khi các trường cùng liên kết để phát triển, nếu mỗi trường đi theo một hướng thì đó là trở ngại lớn. Dường như liên kết đang là điểm yếu của người Việt chứ không riêng gì Huế. Nếu các đơn vị chịu ngồi lại với nhau để cùng phối hợp tham gia sẽ thành điểm mạnh. Ví dụ, một ý tưởng có sự tham gia của các trường liên quan đến kỹ thuật, kinh tế, du lịch… mỗi thành phần trong tập thể chung đều phát huy được thế mạnh riêng, đóng góp vào ý tưởng, dự án chung sẽ đem lại hiệu quả.

ĐH Huế cần phát huy lợi thế ĐH vùng để phát triển phong trào khởi nghiệp. Tất nhiên, những gì ĐH Huế đang làm, từ các hoạt động nền tảng của khởi nghiệp, bắt đầu từ đào tạo giảng viên nguồn, phối kết hợp chặt chẽ giữa các trường đã tốt hơn thì tôi tin rằng sẽ có triển vọng.

Lãnh đạo ĐH Huế chia sẻ là sẽ đầu tư khởi nghiệp, không làm hình thức. Song, nhiều người lo ngại, đội ngũ cán bộ, giảng viên chỉ nắm bắt qua tài liệu, thiếu kinh nghiệm thực tế, liệu đó có phải là trở ngại?

Điều chúng tôi lo lắng khi tham gia các chương trình đào tạo ở các trường là chỉ phát triển mang tính phong trào, hình thức. Song ĐH Huế đã thoát ra được tính hình thức và hướng phong trào vào thực chất. Đây là tín hiệu mừng cho phong trào khởi nghiệp ở Huế.

Tuy vậy, cũng cần làm rõ mục đích về đào tạo về khởi nghiệp ĐMST trong các trường ĐH theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu là thay đổi một phần tư duy hoặc các định hướng liên quan đến khởi nghiệp ĐMST cho sinh viên. Từ đó, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và hình thành các startup sau các kiểm chứng với thị trường. Nếu mục tiêu cuối cùng phải thành lập được các nhóm khởi nghiệp với sản phẩm dịch vụ có thể sống được trên thị trường thì chỉ đào tạo thôi chưa đủ mà cần xây dựng hệ sinh thái bao gồm các vườn ươm, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, nhà đầu tư, cố vấn… Ngoài giảng viên, cần có sự liên kết doanh nhân vì họ không chỉ giúp các trường trong vấn đề đào tạo thực tiễn mà góc nhìn của họ rất khác. Chắc chắn sẽ có những tư vấn, định hướng tốt cho sinh viên.

Gần đây, chúng tôi thấy nhiều giảng viên đã có sự thay đổi. Họ cởi mở hơn trong việc tiếp cận các kiến thức mới thay vì theo các tư duy cũ. Thêm vào đó, nhiều giảng viên ĐH cũng tự kinh doanh, tham gia tạo ra các mô hình kinh doanh và dùng chính mô hình của họ để chứng minh thực tế cho sinh viên. Điều này đã có ở một số giảng viên tại ĐH Huế .

Nhiều người lo ngại Huế hay miền Trung chưa phải là mảnh đất có phong trào khởi nghiệp phát triển. Điều này liệu có ảnh hưởng cho phong trào khởi nghiệp của ĐH Huế?

Tôi từng chia sẻ các giảng viên T.O.T của lớp (chương trình đào tạo giảng viên ĐMST và khởi nghiệp) có thể là những hạt nhân ở Huế nhưng đừng thu mình trong Huế, cần giao lưu, tham gia các hoạt động ở các địa phương khác để học tập, nâng cao khả năng và chia sẻ kiến thức. Chỉ tập trung ở thị trường Huế  thì khả năng thành công không cao. Các ý tưởng khởi nghiệp ở Huế không thể đi theo các trào lưu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng mà cần tập trung phát triển các ý tưởng kết hợp giữa giá trị di sản truyền thống đặc trưng Huế và công nghệ như cách Cố đô Kyoto của Nhật Bản đã làm…

Theo ông, thời gian tới ĐH Huế cần làm gì để phát triển phong trào khởi nghiệp ĐMST?

Đầu tiên là phải đào tạo, thay đổi một phần tư duy hướng tới hiệu quả của những người quản lý về công tác đào tạo, khởi nghiệp ĐMST. Từ đó lan tỏa tinh thần ấy đến với sinh viên thông qua các buổi chia sẻ, lớp đào tạo cho sinh viên. Đây là vấn đề ĐH Huế đang làm tốt nhưng cần triển khai sâu rộng hơn.

Bước tiếp là các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, phối hợp, liên kết các đơn vị khác để làm các dự án khả thi. Ngoài ra, cần chọn các hạt nhân của Huế để đưa đi tham gia các mô hình thành công, các chương trình khởi nghiệp tiêu biểu theo Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ để học hỏi kinh nghiệm…

Xin cảm ơn ông!

Hữu Phúc (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội...

Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
Khơi nguồn sáng tạo từ ngày hội STEM

Một sân chơi khoa học để sáng tạo, phát triển kỹ năng là hoạt động bổ ích mà thầy cô giáo Trường tiểu học Vĩnh Ninh, TP. Huế mang đến cho học sinh qua Ngày hội sáng tạo, trải nghiệm STEM và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng diễn ra ngày 14/11.

Khơi nguồn sáng tạo từ ngày hội STEM
Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp

Ngày 9/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn "Trí thức trẻ khởi nghiệp" với chủ đề "Nơi hội tụ ý tưởng và cơ hội mới". Hơn 100 đoàn viên thanh niên, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia diễn đàn.

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp
Return to top