ClockThứ Ba, 26/11/2019 13:45

Ý tưởng xuất phát từ thực tế

TTH - Không còn là hoạt động nặng tính phong trào, sinh viên (SV) tham gia khởi nghiệp hiện đã phát triển các ý tưởng, dự án gắn với thực tế đời sống. Đáng chú ý, sẽ có những ý tưởng “góp mặt” trong thị trường vào năm 2020.

Khởi nghiệp trong sinh viên: Hướng đến thực tiễn và khả thiKhai giảng chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên

Sinh viên ĐH Huế trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp với chuyên gia và đại diện doanh nghiệp

Chú trọng tính thiết thực

Đầu tháng 11/2019, cuộc thi về khởi nghiệp “Hueuni 10 Days Breakthrough, Fall 2019” do Đại học (ĐH) Huế tổ chức kết thúc. Ngoài thông tin nổi bật về số lượng ý tưởng phát triển vượt bậc (43 nhóm ý tưởng) thì điều khiến các chuyên gia khởi nghiệp trong nước hài lòng là có nhiều ý tưởng mang tính thực tế cao, tiềm năng để khởi nghiệp thành công khá lớn.

Khác với giai đoạn trước là các ý tưởng thường bó hẹp trong lĩnh vực du lịch hay công nghệ thông tin, những ý tưởng khởi nghiệp mới của SV “chạm” đến nhiều vấn đề mà xã hội có nhu cầu, từ lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, ẩm thực... Điển hình như dự án “Kéo vali vào ở” mang đến giải pháp đáp ứng nhu cầu tìm kiếm trọ đã thiết kế tất cả nội thất cho khách hàng. Kiều Trang, đại diện nhóm “Kéo vali vào ở” cho biết, bằng việc liên kết hợp tác với người cho thuê trọ trên địa bàn TP. Huế và thu gom tái chế lại những vật dụng cũ của SV ra trường, dự án sẽ thiết kế, trang trí các phòng trọ đã được kết nối từ trước đó, đưa ra những gói kết hợp phù hợp với từng khách hàng, để họ thuê lại phòng đầy đủ nội thất với giá hợp lý nhất. “Mục tiêu hướng đến là dự án sẽ giúp sinh viên, người có nhu cầu giải quyết được vấn đề tìm kiếm chỗ ở và góp phần bảo vệ môi trường”, đại diện nhóm chia sẻ.

Trên thực tế, dù phong trào khởi nghiệp mới được ĐH Huế cùng các trường đẩy mạnh khoảng 2 năm qua, trong khi các cuộc thi thường có thời gian ngắn nhưng nhiều nhóm SV không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà đã bắt tay vào thiết kế sản phẩm. Đơn cử như dự án “Candy Happy” đã thiết kế được một số mẫu kẹo với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không thành phần hóa học để thuyết phục các nhà đầu tư. Trần Phước Lâm, SV Trường ĐH Luật, ĐH Huế (thành viên dự án Candy Happy) chia sẻ, hiện nhóm đã làm được một số mẫu kẹo hướng đến nhóm đối tượng trẻ em, phụ nữ có thai, khách du lịch và những người cần bổ sung dưỡng chất cần thiết. “Nhóm sử dụng các loại hạt đặc trưng ở Huế như hạt sen, đậu ngự… để làm các sản phẩm kẹo giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Những sản phẩm này có thể thay thế sữa, phụ nữ có thai có thể dùng được”, Lâm phân tích.

Anh Trương Thanh Hùng, chuyên gia về khởi nghiệp, Giám đốc điều hành FiNNO Venture chia sẻ, nguyên lý khởi nghiệp là để giải quyết vấn đề của xã hội. Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phải bắt đầu từ việc tìm hiểu từ khách hàng có nhu cầu gì để giải quyết. Với sự cố vấn của các chuyên gia, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của SV có tính sáng tạo, xác định giá trị cốt lõi và phân khúc khách hàng. SV nắm bắt đúng nguyên lý khởi nghiệp thì khả năng thành công sẽ cao.

“Sẽ có sản phẩm ra thị trường”

Nếu trong năm 2018, hoạt động khởi nghiệp của SV ở các trường ĐH dừng lại ở việc xây dựng nền tảng, nâng cao nhận thức của SV về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì năm 2019, ĐH Huế đã chú trọng ươm tạo các dự án khởi nghiệp. TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế tiết lộ, dự kiến trong năm 2020, sẽ có 3 – 4 dự án khởi nghiệp của SV "bước ra" thị trường, sản phẩm được thương mại hóa.

Hiện, các dự án vẫn đang trong giai đoạn ươm tạo, song điểm phấn khởi là một số dự án đã tìm được nhà đầu tư, có cơ hội không chỉ ra thị trường mà còn phát triển thành doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài những dự án được ĐH Huế kết nối, thì một số dự án khác cũng nhận được cái “gật đầu” của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển.

Theo Trần Phước Lâm, dự án “Candy Happy” tuy mới “lộ diện” ở cuộc thi khởi nghiệp, nhưng đến nay, đã tìm được một nhà đầu tư bên ngoài hỗ trợ. Với việc hoàn thành các mục tiêu thí điểm ở giai đoạn hiện tại thành công, nếu thuận lợi thì khả năng đầu năm 2020 có thể bung ra thị trường những sản phẩm mới mà theo khảo sát, nhu cầu người tiêu dùng khá thích thú. Mục tiêu hướng đến không chỉ là thị trường trong nước mà có thể tiếp cận với thị trường ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

Return to top