ClockThứ Bảy, 18/11/2023 11:44

Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ

TTH.VN - Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng, hoa màu nhằm vớt vát phần nào sau lũ.
Nông dân Hương Trà chăm sóc cây hành lá sau lũ

Chị Nguyễn Thị Dung ở thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) chia sẻ, trồng rau màu cho thu nhập khá cao, bình quân mỗi ngày gần 200 ngàn đồng/sào. Năm nay, gia đình chị Dung đưa vào trồng khoảng 1.500m2 rau màu các loại, như hành, đậu bắp và rau thơm cho thu nhập trên 500 ngàn đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, trận lũ lớn vừa qua làm ngập úng, kéo dài gây thiệt hại hoàn toàn diện tích rau màu của gia đình chị. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình chị Dung xuống đồng kiểm tra rau màu để có thể khắc phục phần nào trong điều kiện có thể. Nếu không thể khắc phục thì tổ chức làm đất để tiến hành gieo trồng vụ đông, phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết sắp đến.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Quảng Điền, hầu hết các diện tích rau màu, sắn, hoa… ở các vùng thấp trũng trên địa bàn huyện đều bị ngập lũ, kéo dài gây thiệt hại hoàn toàn. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương vận động nông dân bám đồng, khắc phục hậu quả. Các địa phương rà soát lượng giống rau cần thiết để đề xuất ngành nông nghiệp, cấp trên có biện pháp hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Văn Anh thông tin, để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương vận động nông dân nỗ lực ra quân triển khai các biện pháp khôi phục hậu quả sản xuất nông nghiệp, với phương châm “nước rút đến đâu khôi phục đến đó” nhằm ổn định cuộc sống.

 Rau ở Quảng Điền sau khi nước rút, bị thiệt hại

Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, nông dân tiến hành thu hoạch diện tích sắn bị đổ ngã. Trong quá trình thu hoạch, phải tiêu hủy các thân cây sắn bị bệnh khảm lá để hạn chế nguồn bệnh. Sau khi nước rút, tiến hành thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo, xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Nông dân tích cực kiểm tra các đối tượng sâu bệnh gây hại, phun trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc Ridomil Gold 68WG, Anvil 5SC, Vimonyl 72WP…; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để gieo trồng lại. Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn và phát động nông dân tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng nhằm hạn chế mật độ trước khi xuống vụ đông xuân 2023-2024. Nông dân cần thực hiện nghiêm túc khung lịch thời vụ gieo trồng theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.

Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, khẩn trương đào rãnh, khơi thông thoát nước nhanh ra khỏi vườn cây ngập úng. Những vườn cây đã rút nước, tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Đồng thời, phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn… trên những vườn cây trong giai đoạn phát triển quả, tránh nứt, rụng quả. Bà con nông dân theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Khi thời tiết tạnh ráo, tiến hành tỉa bỏ các cành sâu bệnh, cành chết, quét vôi quanh thân cây độ cao khoảng 0,5 -0,8m tính từ mặt đất để phòng ngừa các loại nấm bệnh xâm nhiễm gây hại. Đồng thời, sử dụng nấm đối kháng Trichoderma và các loại thuốc, như Ridomil gold 68WG, Metalaxyl 350WP, Aliette 800WG... tưới gốc 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 20 - 25 ngày. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học).

Ngành nông nghiệp phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường bám cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết nhằm có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. Các địa phương thống kê, phân loại, thiệt hại đối với từng vùng, từng đối tượng để có cơ sở khi Nhà nước hỗ trợ; đánh giá thiệt hại theo các mức 30%-70% và trên 70% theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; dự kiến bị thiệt hại về năng suất, sản lượng… gửi đến Sở NN&PTNT có biện pháp giải quyết, hỗ kịp thời cho nông dân.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy

Hương Thủy là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và dịch vụ thương mại. Để thúc đẩy ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn phát triển, TX. Hương Thủy tiếp tục quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp, tranh thủ các chính sách khuyến công của tỉnh để hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, trang, thiết bị máy móc, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top