ClockThứ Hai, 11/01/2021 14:42

Không buông lỏng quản lý dự án điện mặt trời

TTH - Lợi ích từ điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) thấy rõ, nhưng cần phải tuân thủ các điều kiện kỹ thuật, môi trường, sản xuất nông nghiệp, phòng cháy chữa cháy…

Phát triển bền vững trên nền tảng đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạoQuy định giá mua điện mặt trời

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại phường An Đông

Nhiều lợi ích

Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương-Hoàng Văn Lộc thông tin, trên địa bàn tỉnh có một dự án (DA) Nhà máy ĐMT Phong Điền I, công suất thiết kế 35MWp, sản lượng thiết kế 45 triệu kWh/năm đã được vận hành thương mại vào tháng 11/2018. DA Nhà máy ĐMT Phong Điền II, công suất thiết kế 50MWp đang chuẩn bị đưa vào vận hành.

Ngoài các DA lớn, trên địa bàn tỉnh hiện có 444 cá nhân, tổ chức lắp đặt ĐMTMN với công suất 26.896 kWp; trong đó có 13 trang trại nông nghiệp (TTNN) kết hợp lắp đặt hệ thống ĐMTMN, tập trung ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền.

Nhà máy điện mặt trời Phong Điền

Ông Lộc đánh giá, qua kiểm tra, theo dõi, các DA đưa vào hoạt động cung cấp sản lượng điện nhất định lên lưới điện quốc gia. Đây là nguồn điện tại chỗ nên giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí truyền tải từ nguồn điện nơi khác chuyển đến. ĐMT còn giảm áp lực vốn đầu tư nguồn điện, lưới điện của nhà nước (EVN); đóng góp ngân sách, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Một ưu điểm lớn khác của hệ thống ĐMT là từ nguồn năng lượng sạch (khác với nguồn than, dầu...), không gây tác hại nhiều đến môi trường xung quanh. Loại năng lượng này làm giảm phát thải hiệu ứng khí nhà kính, vận hành đơn giản, không gây tiếng ồn, bụi bẩn... Sử dụng nguồn ĐMT vào giờ cao điểm còn giảm gánh nặng thiếu nguồn điện quốc gia vào mùa nắng nóng.

Chưa chấp hành quy định

Khi lập DA cấp đất phát triển trang trại (TT), ông Nguyễn Đăng Hòa ở xã Phong Hiền (Phong Điền) thể hiện rõ mô hình trồng cây đinh lăng, kết hợp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Theo đó, mô hình trang trại nông nghiệp (TTNN) làm 86 nhà trại với tổng diện tích xây dựng hơn 2 ha và trồng gần 25 ngàn cây đinh lăng. DA khởi công từ ngày 18/9, kết thúc 25/12/2020.

Trang trại ông Nguyễn Đăng Hòa chưa trồng cây đinh lăng nào

Tuy nhiên, sau khi được UBND huyện Phong Điền chấp thuận DA, ông Hòa chuyển nhượng lại cho một chủ khác thuê phần mái và tiến hành lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Hệ thống ĐMT từ TT được đấu nối, hòa vào lưới điện do Công ty Điện lực tỉnh quản lý. Trong khi đó, tại khu TT đến nay, ông Hòa vẫn chưa trồng cây đinh lăng nào.

Trang trại ĐMT theo quy định phải đảm bảo mục tiêu sản xuất nông nghiệp gắn với ĐMT nhằm tận dụng quỹ đất, tránh lãng phí tiềm năng, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội. Ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Phong Điền thông tin, trên địa bàn huyện có 4 TT kết hợp hệ thống ĐMT đều cơ bản chấp hành các quy định, quy trình kỹ thuật; riêng TT ông Nguyễn Đăng Hòa ở xã Phong Hiền chưa tuân thủ đúng quy định.

Ông Hoàng Bá Nghiễm cho rằng, DA của ông Hòa đã được huyện thẩm định kỹ trước khi phê duyệt, cấp phép xây dựng theo quy định của Bộ Công thương, thể hiện rõ mục đích sản xuất nông nghiệp gắn với lắp đặt hệ thống ĐMT. Việc ông Hòa không chấp hành quy định, theo DA đã phê duyệt, nhưng vẫn được đấu nối, hòa lưới điện thuộc về trách nhiệm của Công ty Điện lực tỉnh. Chủ đầu tư cũng như đơn vị mua bán điện tự chịu trách nhiệm trước sai phạm theo quy định của Bộ Công thương. Huyện đã lập đoàn kiểm tra các TT, nếu không tuân thủ các điều kiện thủ tục, quy trình kỹ thuật, mục tiêu DA... đã phê duyệt sẽ yêu cầu Công ty Điện lực tỉnh cắt hợp đồng mua bán điện, buộc DA triển khai đúng mục đích, hoặc cưỡng chế tháo dỡ công trình.

Tại vùng TT rú cát Quảng Điền thuộc 3 xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh có 4 DA TTNN kết hợp ĐMT, bình quân mỗi DA lắp pin mặt trời áp mái rộng hơn 1ha theo quy định. Nhưng có TT sử dụng từ 2-3ha đất sản xuất nông nghiệp làm mặt bằng lắp pin năng lượng mặt trời; có DA  TTNN không đăng ký kết hợp hệ thống ĐMT vẫn lắp đặt. Điều này sai với quy định, không tuân thủ DA đã được cấp phép.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo thông tin, theo DA phát triển TTNN, huyện cấp phép cho ông Bùi Trí Dũng thuê diện tích 23.299 m2 đất tại vùng cát nội đồng xã Quảng Lợi và cho ông Phạm Hồng Phú thuê 3 lô  ở vùng cát nội đồng các xã Quảng Vinh, Quảng Thái với diện tích từ 50-74 ngàn m2.

Điện mặt trời mái nhà nhiều lợi ích

Đến nay, cả hai chủ đầu tư này đang tiến hành xây dựng các hạng mục như nhà điều hành, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, nhà trồng cây, đường nội bộ… đúng với DA được huyện phê duyệt. Trong đó, TT ông Phú đã tiến hành trồng cây nha đam đạt tiến độ khoảng 75%; TT ông Dũng đang xây dựng chuồng trại, liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện mô hình chăn nuôi hữu cơ. 

Đối với hệ thống ĐMT áp mái, năm 2019, ông Bùi Trí Dũng lập DA sản xuất TT tổng hợp, trong đó có hạng mục cho thuê mái nhà xưởng làm năng lượng mặt trời với diện tích 5.205 m2. Năm 2020, ông Dũng có đơn xin điều chỉnh DA sản xuất, trong đó không có hạng mục nào liên quan đến việc xây dựng ĐMT. Các DA của ông Phú xin thuê đất lập TT cũng không có hạng mục nào liên quan đến ĐMT. Tuy nhiên thực tế hiện nay, cả hai trường hợp này đã và đang tiến hành lắp đặt ĐMT trên các công trình xây dựng. Huyện Quảng Điền đang kiểm tra, rà soát, có biện pháp xử lý nghiêm khắc trong thẩm quyền.

Các TT ĐMT tại hai huyện Quảng Điền, Phong Điền đều nằm trên vùng rú cát, cạnh những cánh rừng keo tràm rất dễ bốc cháy vào mùa nắng nóng. Trong khi đó, qua kiểm tra, hầu hết các DA ĐMT chưa đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, lây lan sang các khu rừng xung quanh.

Không đấu nối, bán điện với dự án sai quy định

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương khẳng định, chủ trương phát triển ĐMT được khuyến khích, tạo điều kiện. Tuy nhiên để quản lý tốt mô hình này, thời gian tới, sở phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động điện lực đối với hệ thống ĐMT đã được ký kết hợp đồng mua bán điện. Các huyện kiểm tra, rà soát lại các TTNN kết hợp hệ thống ĐTM trên địa bàn quản lý, báo cáo tỉnh có biện pháp, cơ chế giám sát, quản lý, xử lý vi phạm.

Trưởng phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công thương đánh giá, phần lớn các DA ĐMT đều cơ bản tuân thủ các quy định về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, một số DA khi triển khai chưa tuân thủ theo DA được phê duyệt ban đầu.

Mới đây, đoàn công tác do Sở Công thương chủ trì làm việc với các cơ quan, hai huyện Quảng Điền, Phong Điền, các sở: NN&PTNT, TN&MT, Xây dựng tổ chức khảo sát, thực tế các DA TTNN kết hợp sản xuất ĐMT. Đồng thời họp bàn giải pháp, tham mưu tỉnh về việc quản lý các DA đầu tư hệ thống ĐMT tại các TTNN trên địa bàn tỉnh. Công ty Điện lực tỉnh đang tiến hành rà soát, xem xét hủy hợp đồng, hoặc không ký hợp đồng đấu nối, mua bán điện đối với các DA không tuân thủ quy định.

Các sở, ngành, địa phương thống nhất trách nhiệm quản lý các TT ĐMT thuộc về UBND huyện, nơi thẩm tra, cấp phép. Theo đó, địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động, mục đích của TT; không để chủ đầu tư hoạt động, sử dụng đất sai mục đích. Dù Nhà nước khuyến khích chủ trương phát triển ĐMT, cơ chế mở, thông thoáng, đơn giản nhưng không vì thế mà các cơ quan quản lý Nhà nước thiếu sự buông lỏng trong quản lý...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, ĐMT là nguồn năng lượng sạch, khá thân thiện với môi trường, cần khai thác, nhất là những vùng đất hoang hóa, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Phát triển năng lượng ĐTM là vấn đề không quá lo ngại, thời gian sử dụng pin, khai thác chỉ khoảng 20 năm, có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác nếu không còn phù hợp. Tuy nhiên, quá trình phát triển ĐMT cũng cần tính toán đến quỹ đất, không nên làm mất đất sản xuất của người dân trong điều kiện sản xuất có hiệu quả; đồng thời kết hợp hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với năng lượng ĐMTMN nhằm tận dụng tối đa quỹ đất.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG:
Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm

Đó là quan điểm và tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh trước thực trạng người dân xây dựng, lắp đặt các biển hiệu, biển quảng cáo lấn chiếm công trình, vỉa hè, che khuất hệ thống an toàn giao thông (ATGT), phần đường dành cho người đi bộ… làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, trật tự ATGT.

Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm

TIN MỚI

Return to top