|
Khắc phục xói lở tạm thời sau trận mưa bão gần đây tại Tỉnh lộ 25, đoạn qua xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy |
Nhanh chóng khắc phục
Hiện nay, hệ thống giao thông tỉnh được định vị rõ 3 vùng: Vùng núi, đồng bằng và vùng trũng ven biển. Khi mưa bão xảy ra, đường sá ở vùng núi thường bị bồi lấp, sạt lở; vùng đồng bằng bị ngập úng; vùng thấp trũng, ven biển, đường sá thường bị nước lũ chia cắt. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này đã giảm thiểu rõ rệt nhờ phương châm phòng ngừa thiên tai sát thực tế.
Cuối tháng 10 vừa qua, cơn bão số 6 (TRAMI) đổ bộ vào Thừa Thiên Huế làm nhiều tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL) bị ngập nước, giao thông chia cắt. Do mưa lớn nhiều giờ liền khiến nước sông Ô Lâu dâng cao, gây ngập tuyến QL49B qua địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình (Phong Điền). Ngay sau đó, Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế - đơn vị quản lý, bảo trì tuyến đường đã kết nối, phối hợp với địa phương khẩn trương rào chắn, đặt biển cảnh báo 2 đầu vị trí nước ngập sâu nhằm khuyến cáo, ngăn cấm việc người và phương tiện qua lại. Sau khi bão tan, trên tuyến có nhiều vị trí sạt lở, công ty đã kịp thời bố trí nhân lực khắc phục nhằm đảm bảo lưu thông cho người, phương tiện qua lại.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Giám đốc Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế cho rằng, mưa gió trong những ngày qua là dịp để kiểm chứng, đánh giá lại công trình giao thông, nhất là những công trình, đoạn tuyến mới xây dựng. Từ đó dễ nắm bắt dòng chảy, đất lấp, sạt lở, cây cối ngã đổ chặn đường... để sẵn sàng ứng phó, khắc phục nhanh hơn.
Thuận lợi hiện nay là hệ thống giao thông, như QL, TL nằm ở các địa phương đều được giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý tuyến đường. Những đơn vị này có kinh nghiệm, đủ tiềm lực về phương tiện, máy móc, con người..., kịp thời tăng cường xử lý khắc phục các điểm xung yếu khi bị ảnh hưởng của mưa, bão.
Ông Lê Quang Ánh, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế cho hay, hiện nay đơn vị quản lý 14 tuyến TL dài hơn 160km và gần 300km đường thành phố. Nhờ ngành giao nhiệm vụ, đơn vị chủ động kiện toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm, điều hành linh hoạt, phù hợp diễn biến thực tế khi thiên tai xảy ra. Khi có thông tin mưa bão, đơn vị phân công nhân lực kiểm tra hiện trường, đề xuất phương án phòng ngừa. Khi mưa bão tan, đơn vị huy động lực lượng khắc phục nhanh nếu có hư hại.
Qua khảo sát thực tế, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, các TL3, 2, 1… qua địa bàn TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang bị ngập sâu; hay TL12C qua địa bàn phường Hương Chữ (TX. Hương Trà) bị sạt lở… Để kịp thời khắc phục, Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế đã cử nhân lực ứng trực, rào chắn để đảm bảo ATGT. Ngay sau khi bão tan, đơn vị tiến hành khảo sát, phát hiện bất thường, nhất là những TL có nhiều đoạn nước ngập bị sạt lở, tạo “ổ gà, ổ voi” để nhanh chóng khắc phục đắp vá bê tông, không tạo mối nguy cơ mất ATGT…
Không chủ quan
Theo dự báo, thiên tai vào những tháng cuối năm thường diễn biến phức tạp; hạ tầng cầu cống, đường sá giao thông là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nếu có mưa bão. Điều đó cũng được thể hiện rõ trong các văn bản chỉ đạo, điều hành của ngành GTVT. Để chủ động ứng phó, ngành đã yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, có các giải pháp linh hoạt phòng ngừa khi mưa bão xảy ra.
Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, ngành GTVT thiết lập phương châm thứ 5 là “Tự quản tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai và đã thấy được hiệu quả từ những trận mưa bão vừa qua. Nhờ vậy, các sự cố xảy ra đã được khắc phục, xử lý nhanh, không để ùn tắc giao thông, chia cắt kéo dài.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, hiện các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm tra các tuyến QL, TL ở các huyện Nam Đông, A Lưới; đường thủy nội địa ở địa phương, trong đó chú trọng huyết mạch QL49A, 49B và các cây cầu yếu, như cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, TX. Hương Trà), cầu Như Ý, Lợi Nông, Trung Chánh nằm trên TL3 (TX. Hương Thủy - Phú Vang)... Tùy từng trường hợp cụ thể, như bị sạt lở, ngập lụt chia cắt liên vùng hoặc hư hại… để có giải pháp, phương án khắc phục, sửa chữa, ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục bổ sung phương án phòng, chống thiên tai phù hợp điều kiện thực tế khi thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc bổ sung này giúp các đơn vị chuẩn bị đủ lực lượng, thiết bị, nhiên liệu, vật liệu và các điều kiện để sẵn sàng huy động khi có tình huống phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ” và “Tự quản tại chỗ”, nhất là trên các tuyến đường trọng yếu, kết nối liên vùng. Khi mưa bão đến, các đơn vị cần chủ động phối hợp với các địa phương, tăng cường kết nối thông tin, cập nhật thời tiết mưa bão và củng cố phát triển các tổ, đội phản ứng nhanh, kịp thời xử lý, khắc phục không để chia cắt, mất an toàn giao thông…