Băng rừng tìm đường chữa cháy trong đêm
Lập Sở chỉ huy tiền phương - Quyết sách đúng đắn
Từ những nỗ lực chữa cháy, cứu rừng của tất cả các lực lượng, sáng 30/6, các đám cháy tại tiểu khu 150, 151, 152 cơ bản được khống chế. Trong những ngày đêm đương đầu với “giặc lửa”, hơn 1.400 lượt người, 11 xe cứu hỏa, hàng chục phương tiện cơ giới và hàng ngàn trang thiết bị dập lửa đã được huy động.
Do hiện trường cháy trải dài trên 5 – 6 quả đồi và gần Kho K890 nên công việc chữa cháy cực kỳ gian nan, nguy hiểm. Khi lửa bùng phát, bên cạnh đúng vào thời điểm gió Nam thổi mạnh, thì địa hình phức tạp với nhiều đoạn dốc cao cùng lớp thực bì dày đặc, đường băng cản lửa bị che phủ… đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy.
“Lửa đã thiêu rụi 153ha rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ TX. Hương Thủy và 112,7ha keo, tràm của các hộ dân ở 3 phường: Thủy Phương, Thủy Châu và Phú Bài với tổng thiệt hại gần 12 tỷ đồng”, ông Văn Đức Thuận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy thống kê.
Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, dù đó là nguyên nhân gì thì sau vụ cháy rừng lịch sử, những nhà quản lý, những người trực tiếp tham gia chỉ huy, chữa cháy đã đúc rút cho mình một số kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng cháy và khống chế hỏa hoạn sau này.
Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tiên là việc lãnh đạo tỉnh lập Sở chỉ huy tiền phương gần địa điểm cháy rừng ngay khi lửa có dấu hiệu phức tạp.
“Thời điểm đó, hiện trường cháy trải dài trên 5, 6 quả đồi, gió Nam thổi mạnh, nhiệt độ vào khoảng 39 – 40 độ C, lại gần kho K890. Lửa vừa thấy trước mặt, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy lan cả km dù có đoạn, đường ranh cản lửa rộng tới 20m. Với sức tàn phá như vậy nên cần có một phương án hết sức khôn ngoan để vừa giữ được rừng trong phạm vi có thể, vừa không ảnh hưởng tới kho K890 và người dân khu vực lân cận”, ông Tuấn nhớ lại.
“Việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương là kịp thời để chỉ huy, điều phối tất cả các lực lượng chữa cháy với tính thống nhất cao. Nếu khi đó không có Sở chỉ huy tiền phương, việc điều phối lực lượng rất dễ rơi vào tâm lý “quân anh, quân tôi”, dẫn đến lúng túng, chậm trễ trong việc chữa cháy, lúc đó hậu quả sẽ vô cùng khó lường”, ông Tuấn khẳng định.
Những bài học mang tính khả thi cao
Trong quá trình chữa cháy, do địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, thiếu nguồn nước tại chỗ nên việc sử dụng vòi rồng để dập lửa ở những điểm cháy từ giữa lưng đồi núi trở lên là chuyện bất khả thi. Thay vào đó, các lực lượng đa phần phải chữa cháy bằng các dụng cụ như: bàn dập lửa, dao rựa, máy cưa cầm tay, máy thổi… Tuy nhiên, sức người có hạn, nên chẳng mấy chốc lực lượng tham gia chữa cháy xuống sức.
Trước vấn đề nan giải này, sau khi bàn bạc, bên cạnh huy động lực lượng từ các đơn vị khác, bộ phận chỉ huy quyết định dùng phương án đảo quân, giúp anh em có thời gian nghỉ ngơi, hồi sức và có thể trụ vững cho đến khi hỏa hoạn được khống chế hoàn toàn.
“Ở những vụ cháy xuyên đêm, kéo dài thì phải điều phối sức, nhất là với những đơn vị có lực lượng mỏng. Ngoài việc thay phiên chứ không “bung” toàn bộ quân một lúc, từ 4h30 sáng đến tầm 8h sáng là thời điểm thời tiết có độ ẩm cao, trời mát và lặng gió, lúc ấy, lực lượng chữa cháy tập trung tấn công vào các điểm cháy có khả năng lan rộng thì sẽ rất hiệu quả”, ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng trong quá trình chữa cháy, một kinh nghiệm cần chú ý là việc dẫn đầu, hướng dẫn các toán chữa cháy của lực lượng khác.
“Ví dụ, một đội 20 người phải có một kiểm lâm hoặc cán bộ quản lý của chủ rừng dẫn đường, hướng dẫn chữa cháy. Đây là những người thông thuộc địa hình nên tiếp cận nhanh, giúp công tác chữa cháy hiệu quả hơn. Còn trong việc theo dõi, quản lý các khu vực cháy, ngoài flycam, nếu sử dụng bộ đàm sẽ giúp việc liên lạc, chỉ huy giữa các nhóm thông suốt, thống nhất”, ông Tuấn nói.
“Trong quá trình chữa cháy, có một khu vực đồi núi giáp ranh giữa 2 phường: Thủy Phương và Thủy Châu, thuộc tiểu khu 152 P. Thủy Châu, người dân địa phương gọi là Eo Gió. Đây là vùng không khí đối lưu, gió rất mạnh nên lửa bùng lên dữ dội hơn hẳn những nơi khác. Sau khi khống chế lửa tại đây, kinh nghiệm được rút ra là tùy theo địa hình, địa vật để bố trí phương án, điều động phương tiện chữa cháy. Và từ thực tế địa hình của Eo Gió, hiện chúng tôi đang nghĩ tới phương án khi thiết kế trồng rừng phải bố trí các đường lô, đường khoảnh, đường ranh cản lửa vuông góc với hướng gió. Điều này giúp giảm sức gió, hạn chế sức lan của lửa khi có cháy rừng xảy ra”, ông Tuấn nói thêm.
Dù những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình đương đầu với “giặc lửa”và không quá khó để triển khai, nhưng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Anh Tuấn vẫn khẳng định, phương án chữa cháy tốt nhất là phòng cháy, trong đó bao gồm phát hiện điểm cháy kịp thời bằng cách tăng tần suất tuần tra; thiết kế, quy hoạch các vùng trồng rừng đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của tỉnh…
“Nếu vùng trồng rừng được quy hoạch hợp lý như quy hoạch đô thị, nghĩa là theo từng cụm thì công tác quản lý rất dễ. Và khi bố trí các điểm trồng rừng mới, chúng ta nên trồng các “giải băng xanh” – hàng cây trồng xen kẽ nhiều loài trong một diện tích trồng rừng. Thực tế cho thấy, nếu cháy rừng thông, lửa lan ra gặp dải băng xanh của rừng keo, tràm thì nhiệt lượng sẽ giảm và lửa lan yếu hơn”, ông Tuấn nói.
Bài, ảnh: Võ Nhân