Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm khi kim ngạch ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Song các chuyên gia lo ngại, xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 13%
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 6 tháng đầu năm thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 so với nửa đầu 2016, và bằng 48% kế hoạch năm nay. Trong đó, KNXK của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại nghiêng về hướng xuất siêu là điều kiện quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Với những kết quả đã đạt được, năm 2018, KNXK ước đạt khoảng 240 - 242 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.
Dự báo tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, có 20 mặt hàng đạt KNXK trên 1 tỷ USD. Trong đó, những mặt hàng dẫn đầu về KNXK tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD). Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD; hạt điều và gạo ước có mức tăng trưởng cao cả về lượng và kim ngạch: hạt điều ước tăng 18% về lượng và 17,6% về kim ngạch, đạt trị giá 1,41 tỷ USD, gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch và 26,2% về lượng, đạt trị giá 1,84 tỷ USD.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường XK mới. Bằng chứng là, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%... Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Irắc tăng 27,9%, Nga tăng 25,4%...
Đối mặt nhiều khó khăn
Lạc quan là vậy nhưng các chuyên gia vẫn dự báo tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Bởi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ sự thay đổi một số chính sách của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới.
Nổi bật là việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc sẽ khiến sản phẩm Trung Quốc gồm cả những mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như dệt may, da giày, đồ gỗ... tràn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn thông qua quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT).... khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng cuối năm, có rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng đây không thể là cơ hội. Đây không những là cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới các nước xuất siêu qua Mỹ. Trước mắt, đây là thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để phòng vệ trước cuộc chiến thương mại này, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ về nhận định ban đầu và đề xuất cụ thể các ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này tới nền kinh tế Việt Nam. Cuộc chiến này không chỉ là cạnh tranh thương mại mà còn là cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần đánh giá kỹ và sâu hơn trên nhiều khía cạnh. Mỹ không chỉ áp thuế với Trung Quốc mà còn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh của mình.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà bản quyền công nghệ, chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế... cũng sẽ chịu tác động. Ông cũng đặt ra vấn đề cần giải quyết trước nguy cơ các sản phẩm dệt may, đồ gỗ, da giày… của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam nếu các sản phẩm này bị chặn đường xuất khẩu sang Mỹ.
Theo VOV