ClockThứ Hai, 17/06/2024 10:35

Kiểm soát chặt chẽ, tránh hiệu ứng tăng lương, tăng giá

Việc tăng lương sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, tăng lương không tạo ra lạm phát kỳ vọng.

Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024 và điều chỉnh phân vùng một số địa bàn

 Người cao tuổi TP Hồ Chí Minh nhận lương hưu tại bưu điện các quận, huyện. Ảnh minh họa: TTTXVN phát

Dự kiến từ ngày 1/7 tới sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Theo đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp), đặc biệt là viên chức giáo dục và y tế sẽ hưởng mức lương cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức. Đây là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.

Được tăng lương là điều hàng triệu người làm công ăn lương đang trông đợi khi những chi phí sinh hoạt thường ngày tăng. Nhìn vào mức độ biến động giá của nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong rổ hàng hóa tính CPI có thể thấy rõ điều này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm bưu chính, viễn thông).

Đáng chú ý là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy, trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá. Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%.

Với việc được tăng thêm khoảng 30% tiền lương thì ngoài việc bù đắp phần trượt giá, đảm bảo trang trải đời sống vật chất tốt hơn, cán bộ, công chức, viên chức còn hy vọng có thêm khoản tiền để chăm lo đời sống tinh thần và một phần để tích lũy.

Tuy nhiên, việc tăng lương sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, tăng lương không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Thực tế từ nhiều lần tăng lương cơ sở trước đây cho thấy, lương chưa tăng giá cả đã chạy trước, “lương đuổi theo giá”, nên việc tăng lương không mang nhiều ý nghĩa, chủ yếu là để bù đắp phần chi phí giá cả tăng lên.

Vì vậy, trước mỗi kỳ tăng lương, Phó Thủ tướng Chính phủ - người đứng đầu Ban Chỉ đạo điều hành giá đều đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả thị trường, kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế để kịp thời cảnh báo các nguy cơ và đề xuất biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Bên cạnh đó là có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý…

Tháng 6 năm 2023, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, trả lời đại biểu về giải pháp điều hành giá để bảo đảm kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, “điều hành giá là nghệ thuật, phải hết sức uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước”. "Giải pháp điều hành giá phải căn cứ tín hiệu của thị trường, nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành”. Tăng lương phải kiểm soát được giá, quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Muốn giữ được giá, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đáp ứng quan hệ cung - cầu. Đây là điều Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Với những mặt hàng Nhà nước không định giá, phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, một lần nữa, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo lại đưa ra thông điệp tăng lương và ổn định giá, khi ông yêu cầu không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, “thành thói quen”, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Và để bình ổn thị trường, phải đảm bảo thông suốt việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ; kiểm tra việc niêm yết giá tại các chợ truyền thống.

Các bộ, ngành, địa phương phải đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, phối hợp tốt, không để tăng giá, đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, có tác động lớn đến chỉ số CPI.

Khi việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục theo hướng tính đúng, tính đủ đã nằm trong lộ trình của năm 2024, trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng vào việc tăng lương thời điểm 1/7 tới và áp lực lạm phát là rất lớn thì vấn đề kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa là rất cần thiết, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy. Tinh thần là kiểm soát CPI ở mức giới hạn cho phép, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, dưới 4%, tăng trưởng ở mức cao, cố gắng đạt 6,5% GDP.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi lo khi điện tăng giá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 1046-QĐ/EVN, ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (giá điện). Theo đó, giá bán lẻ điện là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% bắt đầu từ 11/10/2024.

Nỗi lo khi điện tăng giá
Kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng

Cùng với các giải pháp vĩ mô nhằm ổn định thị trường vàng, tại Thừa Thiên Huế, các giải pháp kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được triển khai.

Kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng
Tối ưu hóa trong kiểm soát đường thở khó

Chiều 6/9, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức về kiểm soát đường thở khó. Qua đó, đánh giá những ưu điểm vượt trội khi sử dụng giải pháp CMAC dựa trên các trang thiết bị hiện có tại đơn vị cũng như các trang thiết bị hiện đại khác.

Tối ưu hóa trong kiểm soát đường thở khó
Tranh tài cán bộ quản lý giỏi công tác an toàn thực phẩm

Chiều 30/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (ATVSTP) tổ chức Hội thi “Cán bộ quản lý giỏi công tác an toàn thực phẩm lần thứ II, năm 2024”. Hội thi thu hút gần 50 thí sinh của các đội dự thi và đông đảo cổ động viên đến từ 9 huyện, thị, thành phố.

Tranh tài cán bộ quản lý giỏi công tác an toàn thực phẩm

TIN MỚI

Return to top