ClockThứ Tư, 05/07/2017 14:34

Kiểm soát hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ

TTH - Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (BTTNPĐ) không chỉ đa dạng các loài gỗ quý hiếm mà còn có nhiều lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị kinh tế, tạo thu nhập cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, việc khai thác ồ ạt lâm sản ngoài gỗ gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Phong phú, đa dạng

Nguồn LSNG tại Khu BTTNPĐ rất phong phú, đa dạng, là “nguồn sống” cho người dân ở các thôn, bản trên địa bàn xã Phong Mỹ. Trước hết phải kể đến lâm sản dùng làm dược liệu, gồm thiên niên kiện, hà thủ ô, chè vằng, nhân trần... Các loài thảo được này được người dân dùng chữa bệnh và một số bán ra thị trường để tăng thu nhập. Kết quả điều tra cho thấy, số lượng cây dược liệu khá nhiều, với khoảng 20-30 loài.

Nguồn mây rừng đang cạn kiệt do khai thác ồ ạt

Nhóm sản phẩm dùng làm lương thực, thực phẩm, gia vị chủ yếu được người dân khai thác, sử dụng hằng ngày cho gia đình. Một số loài củ, quả có giá trị kinh tế như rau má rừng, nấm tràm, nấm mối, măng giang, măng lồ ô, hạt dẻ... Hầu hết các hộ ở hai bản Hạ Long và Khe Trăn chủ yếu dựa vào nguồn rau xanh, củ, quả từ rừng phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Trong số các loài LSNG, nguồn sản phẩm dùng làm vật liệu thủ công mỹ nghệ rất da dạng và có giá trị kinh tế khá cao. Loài song mây trước đây được người dân sử dụng làm vật dụng trong gia đình, như rổ, rá, gùi, giỏ xách, lợp nhà... Các sản phẩm này được bán cho thương nhân, mang lại nguồn thu nhập cao. Do nhu cầu sử dụng lớn nên loài song mây tự nhiên hiện nay còn rất ít.

Các loài lá nón, lá cọ, cỏ tranh, đùng đình, thanh hao, đót... dùng để làm nón, chổi, lợp nhà, hàng quán. Đây cũng là các nguyên liệu cho thu nhập khá. Giá bán tại chỗ cho lái buôn, mỗi kg bông đót từ 2.500-3.000 đồng và lá nón 900-1.000 đồng/ngọn. “Đót thường phân bố ở các khe suối, bìa rừng, chỉ khai thác theo thời vụ. Riêng mây, lá nón phân bố dưới tán rừng tự nhiên, nơi có độ dốc cao, lớn, nằm xa khu dân cư, thường được khai thác quanh năm. Thời gian khai thác lá nón thường cả đi và về trong ngày, còn khai thác mây mỗi chuyến mất 2-3 ngày. Bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng”, ông Lê Nam ở bản Hạ Long chia sẻ.

Một nguồn LSNG tương đối lớn cả về sản lượng và mức đóng góp trong thu nhập của người dân là lồ ô, tre, nứa... Các loại sản phẩm này được phân bố tại các khu rừng được giao khoán cho người dân chăm sóc, phát triển. Các loại tre, nứa, lồ ô được người dân, các cơ sở chế biến dùng làm nguyên liệu giấy, đũa, tăm, đan lát, làm giàn che cây cảnh... Trong đó, có đặc sản tương măng được người dân Phong Mỹ làm từ măng lồ ô, măng tre, được thị trường ưa chuộng. Các hộ khai thác và kinh doanh sản phẩm măng, tre, lồ ô có thể thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng trở lên/tháng.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, các hộ sống dựa vào nguồn LSNG chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, hoặc trung bình, thiếu đất sản xuất với khoảng 500 hộ. Đây là nhóm đối tượng trực tiếp khai thác và khởi đầu cho chuỗi thị trường LSNG tại địa phương.

Sức ép

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu BTTNPĐ thông tin, qua khảo sát, có 6 loài sản phẩm chính được tiêu thụ trên thị trường, là song mây, lá nón, măng, chổi đót, chè vằng, hà thủ ô trắng. Trong đó, song mây, lá nón, măng được tiêu thụ thường xuyên nhất. Có nhiều lý do, song cơ bản nhất là giá cả các loài sản phẩm này ít biến động, nguồn tiêu thụ tương đối ổn định. Riêng các loại tre, lồ ô, song mây bình quân mỗi năm khai thác ước cả 100 ngàn m3. Các loại rau, củ, quả rừng khai thác không nhiều, người dân chủ yếu sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Đối với cây dược liệu, mỗi năm khai thác ước chừng 50 tấn.

Dưới “sức ép” của thị trường, tình hình khai thác diễn ra ồ ạt, không có tổ chức gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Song mây và một số loài LSNG hiện nay rất khan hiếm, lâm vào tình trạng đe dọa nghiêm trọng dẫn đến cân bằng sinh thái. Nếu các loài LSNG mất dần dẫn đến nguy cơ tiêu diệt một số loài động vật hoang dã vì do thiếu nơi cư trú lý tưởng.

Khu BTTNPĐ đang có kế hoạch kiểm soát tình trạng khai thác LSNG. Đối với các loài có nguy cơ cạn kiệt, phục hồi chậm có thể hạn chế, hoặc nghiêm cấm khai thác trong thời gian nhất định.

Ông Trụ cho hay, gần đây, Khu BTTNPĐ phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ cho hơn 400 hộ dân các bản Hạ Long, Khe Trăn và một số thôn triển khai mô hình trồng gừng trong bao ni lông, trồng tre lấy măng với hàng chục ha.

Nhiều hộ dân tộc Pa Hy, Vân Kiều còn nhiều khó khăn, được Khu BTTNPĐ hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để triển khai cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả nhằm giúp dân hạn chế áp lực dựa vào rừng...

Trong quá trình triển khai các mô hình, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cán bộ kiểm lâm lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác lâm sản trái phép, nhất là đối với song mây vì khả năng phục hồi chậm.

Theo ông Đặng Vũ Trụ, nguồn tài nguyên LSNG tại Khu BTTNPĐ rất đa dạng, trong đó có khoảng 20 loài có giá trị kinh tế. Các loại LSNG được gây trồng còn rất ít, kém hiệu quả do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, định hướng. Vì vậy người dân phải khai thác LSNG trong thiên nhiên để cung ứng thị trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên LSNG.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

TIN MỚI

Return to top