ClockThứ Hai, 25/02/2019 14:43

Kiến nghị tháo gỡ tình trạng ách tắc nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu tại cảng

Ngày 25/2/2019, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ban hành công văn số 15/2019 gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn báo cáo và kiến nghị tháo gỡ tình trạng ách tắc nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu tại cảng.

Theo VASEP, hiện tình trạng nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển đang bị ùn ứ tại cảng, không được kiểm dịch để thông quan (tính đến 22/2), ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cá ngừ.

Nguyên nhân trước mắt của tình trạng này là do thực tế các DN nhận được thông tin về Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT ký ngày 25/12/2018 (Thông tư 36) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản quá trễ. Hầu hết là cận ngày hoặc đã qua ngày thông tư có hiệu lực.

Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 10/2/2019, nhưng Hiệp hội VASEP và hầu hết các DN chỉ được biết trong khoảng từ ngày 11-15/2. Một vài DN có nhận được qua email của Chi cục thú y ngày 3-4/2/2019, nhưng các DN khác thì không nhận được và chỉ biết khi nhận được từ email của hiệp hội vào 11/2.

Hai cuộc họp phổ biến Thông tư 36 của Cục Thú y cũng mới được tổ chức vào sau ngày Thông tư 36 đã có hiệu lực (cuộc họp tổ chức tại TP. Hà Nội vào ngày 15/2 và tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 20/2).

Ảnh minh họa

Trong khi đó, các DN đều ký hợp đồng mua nguyên liệu từ trước đó, thậm chí nhiều tháng trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực. Các container cá được vận chuyển liên tục về Việt Nam. Cho đến ngày các DN biết Thông tư 36, đã là cận hoặc sau ngày thông tư có hiệu lực, hầu hết container đã xuất bến về Việt Nam đều chưa cập nhật được các quy định mới của Thông tư 36. Điều này dẫn đến việc các DN không thể kịp chuẩn bị các điều kiện để tuân thủ các yêu cầu của Thông tư 36.

Ngoài ra, ngay sau khi nhận nhiều phản ánh của DN, trong 2 ngày 20-21/2, VASEP đã rà soát và một lần nữa tổng hợp nhanh từ các DN về hiện trạng để nắm bắt & hỗ trợ các DN cá ngừ tuân thủ tốt các quy định bổ sung tại Thông tư 36 so với Thông tư 26/2016 trước đây.

Kết quả tổng hợp cụ thể cho thấy, các lô nguyên liệu cá ngừ khai thác nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển hiện sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu tại điểm g, khoản 2 Điều 1 của Thông tư 36.

Đây cũng là nội dung mà trước đó, trong 4 tháng cuối năm 2018, VASEP và các DN ngành cá ngừ Việt Nam đã có báo cáo & góp ý xây dựng, thông tin thực tế cho Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 26 – bao gồm đặc biệt việc Dự thảo quy định nội dung tại điểm g Khoản 2 Điều 1 là rất khó khăn trong thực tế, trong khi các nội dung này đã có trong Giấy Chứng nhận Thuyền trưởng.

VASEP khẳng định, hiện trạng ách tắc hàng cá ngừ nhập khẩu tại cảng đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN thủy sản, rất cần được Lãnh đạo Bộ NN & PTNT ưu tiên xem xét giải quyết.

VASEP kiến nghị Bộ NN & PTNT cho phép có giai đoạn chuyển tiếp để thực thi Thông tư 36 cho đến hết ngày 31/3 để giải quyết tình trạng ùn ứ ách tắc tại cảng hiện nay cũng như tạo điều kiện để giải quyết các lô hàng đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2/2019.

Và đề nghị Bộ NN & PTNT hỗ trợ cộng đồng DN việc cho đánh giá thêm kết hợp việc khảo sát thực trạng tại các quốc gia có cảng trung chuyển về hiện trạng cấp Giấy xác nhận chuyển tải ở các quốc gia này, từ đó xem xét giải quyết, tháo gỡ quy định tại điểm g khoản 2 Điều 1 của Thông tư 36 một cách phù hợp nhất để vừa quản lý nhà nước được chặt chẽ nhất mà sản xuất kinh doanh cũng không bị ảnh hưởng.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiến nghị dừng dự án phục hồi rạn san hô

Do dự án mới, có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật chưa có, UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh (gọi tắt DA phục hồi rạn san hô).

Kiến nghị dừng dự án phục hồi rạn san hô

TIN MỚI

Return to top