Nông sản an toàn A Lưới được quảng bá, giới thiệu tại hội thảo về kinh tế HTX năm 2020
Dần thích nghi
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX của tỉnh những năm gần đây chuyển biến khá rõ nét trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD); giữ vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đời sống cho người dân. Các HTX đang hướng đến đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho thành viên, thị trường. Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh nhưng nhiều HTX vẫn bao tiêu, thu mua nông sản của người dân với giá ổn định.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá cao các HTXNN An Lỗ (Phong Điền), HTXNN Thủy Thanh 2 (TX. Hương Thủy), HTXNN Phú Hồ (Phú Vang)… dù tồn đọng một lượng lớn lúa, gạo hữu cơ, chất lượng cao nhưng vẫn thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân. Điều này chứng tỏ vai trò, trách nhiệm, lợi ích của HTX luôn gắn với lợi ích của nông dân; tuy nhiên sản phẩm của bà con phải đảm bảo an toàn sinh học, chất lượng, hữu cơ thông qua mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nhiều HTXNN đang hướng đến xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức liên kết sản xuất chuỗi giá trị. Một số HTX tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TX. Hương Thủy liên kết với Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm tổ chức sản xuất lúa hữu cơ với diện tích trên 300ha và chăn nuôi lợn hữu cơ trên 5.000 con. Nhiều HTX liên kết với các Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Liên Việt, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh sản xuất lúa giống chất lượng cao trên 500ha. Nhiều mô hình chuỗi giá trị sản phẩm hoạt động hiệu quả như gạo hữu cơ Phong Điền, trà rau má Quảng Thọ, dầu tràm Lộc Thủy…
Thị trường tiêu thụ đang ngày càng khắt khe, dịch COVID-19 diễn biến khó lường buộc mô hình HTX phải dần thích nghi, hướng đến sản xuất nông sản an toàn, bền vững. Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của các HTX cần linh hoạt hơn trong điều hành, tổ chức sản xuất nguồn sản phẩm theo nhu cầu đã ký kết hợp đồng với các đối tác. Đồng thời tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. HTX cùng với thành viên, người lao động chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SXKD.
Tháo gỡ các tồn tại lưu cữu
Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, những thành công của một số HTX, một số mô hình chỉ là bước khởi đầu, chưa cho thấy sự ổn định và bền vững trước đại dịch COVID-19, sự biến động của thị trường. KTTT, HTX vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế lưu cữu là nút thắt mà lâu nay vẫn chưa được tháo gỡ. Trách nhiệm này một phần thuộc về một số ngành liên quan thiếu quan tâm, phát huy vai trò quản lý, điều hành, hỗ trợ KTTT trong quá trình hoạt động SXKD. Trong khi vai trò của HTXNN rất quan trọng ở khu vực nông thôn, nông dân thì một số cấp ủy, chính quyền cơ sở lại thiếu quan tâm hỗ trợ kinh phí, thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cán bộ quản lý già hoá là câu chuyện quá cũ, nhưng lại là chuyện luôn mới khi năm nào các địa phương, ban ngành, HTX cũng cứ loay hoay, gặp khó trong quy hoạch, đào tạo, thu hút cán bộ trẻ, năng động, có trình độ chuyên môn. Nguyên nhân thấy rất rõ đó là cơ chế, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ, trình độ đại học chưa tương xứng, nhưng lại không tìm được các giải pháp tháo gỡ thích hợp. Trong khi theo một số lãnh đạo địa phương chỉ cần linh động, vận dụng các chính sách của Nhà nước, một phần HTX trích thêm kinh phí hỗ trợ sẽ có thể hoàn toàn thu hút, giữ chân cán bộ trẻ, có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, gắn với đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn.
Chính sự thiếu năng động, tư duy đổi mới, trình độ thấp nên phần nhiều HTX hoạt động SXKD chỉ ở quy mô nhỏ, vừa làm vừa tìm kiếm thị trường, thiếu định hướng hoạt động mở rộng sản xuất. Nhiều cán bộ, lãnh đạo HTX thiếu nỗ lực, tìm giải pháp thích ứng với cơ chế thị trường cũng như đáp ứng với yêu cầu của mô hình kiểu mới, năng lực cạnh tranh còn yếu. Sự liên doanh, liên kết trong nội bộ HTX, giữa các HTX với nhau và các đơn vị kinh tế khác thiếu tích cực và mang lại hiệu quả.
Trước đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cần phát triển đa dạng tổ hợp tác, HTX trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xã hội vào kinh tế hợp tác. Dù phát triển, đa dạng đến đâu thì việc liên kết, hợp tác, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xất đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia là điều bắt buộc. KTTT phải phù hợp, bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, các địa phương nói riêng; có khả năng thích nghi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Trong số 310 HTX toàn tỉnh có hơn 220 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu bình quân mỗi HTX năm nay ước 3,3 tỷ đồng, tăng 100 triệu đồng so với năm trước, lãi 150 triệu đồng/HTX. Dự kiến toàn tỉnh thành lập mới 10-15 HTX trong năm tới; củng cố phát triển các HTXNN có hiệu quả theo đề án xây dựng 15 ngàn HTXNN hoạt động có hiệu quả của cả nước. Trong đó, xây dựng 3-5 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, 1-2 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao...
Bài, ảnh: Triều - Thọ