“Giành lại vỉa hè cho người đi bộ” – một cụm từ khá phổ biến trong thời gian gần đây khi một số thành phố lớn trong cả nước đã ra quân rầm rộ dọn dẹp vỉa hè, trả lại phần đường cho người đi bộ, được người dân đón nhận nồng nhiệt. Bên cạnh những tích cực, vẫn còn đó cái khó của một bộ phận người dân đang sống dựa vào vỉa hè.
Kinh tế vỉa hè (KTVH) đã hình thành từ rất lâu, trở thành một phần tất yếu trong đời sống đô thị của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Thành phần buôn bán vỉa hè thật sự phong phú, từ người dân thành thị không có việc làm ổn định đến những người dân mùa nông nhàn lên thành thị bán sản vật địa phương.
Chị Hoàng Thị Mai, ở phường Thủy Biều cho biết: Nhà tôi chủ yếu làm ruộng, nhưng vào những ngày rỗi, tôi ra vườn nhà nhặt ít rau, hái vài trái cây đem về Huế bán. Người mua ai cũng thích vì sản vật địa phương.
Anh Nguyễn Trọng Phú, ở đường Trần Nhân Tông, phường Tây Lộc nói: “Từ xưa đến nay, cuộc sống của gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào vỉa hè. Mẹ tôi năm nay 80 tuổi vẫn còn bán bánh nậm lọc, vợ tôi hàng chục năm nay bán bún bò. Nhờ vậy, từ anh chị em tôi cho đến các cháu có điều kiện ăn học. Nay có chủ trương trả lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết, song phải có chính sách, hỗ trợ cho chúng tôi để tiếp tục duy trì cuộc sống hàng ngày”.
Nhiều chuyên gia về kinh tế cho rằng, KTVH đã thực sự đem lại cuộc sống cho rất nhiều người dân, góp phần giải quyết việc làm, đặc biệt việc làm cho người nông dân khi vào những mùa nông nhàn. Vấn đề là làm sao quy hoạch lại một vị trí nào đó để KTVH tồn tại một cách tốt nhất, qua đó, vừa tạo được việc làm, vừa giải quyết bài toán mỹ quan đô thị cũng như quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những nhà nghiên cứu về văn hóa nhận định, vỉa hè có sức sống bền bỉ nhất, bởi từ đó đã hình thành nên nếp sống, nếp sinh hoạt của cư dân mà chúng ta khó có thể thay đổi. Ở đó, không chỉ dành riêng cho những người nghèo, mà người giàu cũng vậy. Hiện nay, siêu thị mở ra nhiều, hàng quán, nhà hàng dọc bên đường vẫn nhiều, nhưng các hàng quán vỉa hè vẫn song song tồn tại chính từ thực tiễn thói quen sinh hoạt.
Trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 3/2017, trả lời báo chí về vấn đề nhiều địa phương ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ-Mai Tiến Dũng cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện gửi cơ quan các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương, cần thực hiện đồng bộ chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Chúng ta nhất quán thực hiện kỷ cương và duy trì không để tái diễn nhưng cần phải có cách làm linh hoạt.
Có những địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có nơi quy định một số tuyến đường, phố để người dân tiếp tục bán những sản phẩm hoặc tạo điều kiện để người dân bán sản phẩm từ mớ rau, quả trứng, con gà; có nơi quy định giờ bán ăn sáng, giờ bán ăn tối trên một số tuyến đường… Như vậy, việc duy trì kỷ cương, lập lại trật tự hè phố vẫn bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu với báo giới sau khi Hà Nội ra quân dọn dẹp lại tất cả các vỉa hè trên các tuyến phố, thành phố không cấm người dân kinh doanh mà chỉ yêu cầu người dân làm KTVH phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trong đó quy định chỉ rõ những phạm vi nào được kinh doanh, phạm vi nào thì không được kinh doanh.
Trọng Hoàng