Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi có sự vào cuộc của Tổ công tác Số 1 đến nay, đã có 2/9 bộ, cơ quan Trung ương, gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và 3/5 địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế thuộc Tổ công tác Số 1 có tỷ lệ giải ngân đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công bước đầu có những chuyển biến tốt. Tuy vậy, cả nước nói chung vẫn còn rất nhiều địa phương/dự án tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp.
Một đường kiệt trên địa bàn phường Xuân Phú (TP. Huế) chậm hoàn trả mặt bằng
Ví như tại Thừa Thiên Huế, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 29,8% kế hoạch vốn, tương đương khoảng 1.522/5.113 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao. Trong đó, có một số dự án trọng điểm, nguồn vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp đạt chưa tới 10% như, dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế mới chỉ giải ngân được 335 tỷ đồng và dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II - còn gọi là các đô thị xanh (Green City) chỉ giải ngân được 544 tỷ đồng…
Trong hai dự án này, dự án Green City triển khai khá ồ ạt và ở rất nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Huế, như Tố Hữu nối dài, các tuyến đường quanh khu vực Khu đô mới An Vân Dương và rải rác các đường kiệt ở một số phường trung tâm khu vực phía nam TP. Huế. Điểm chung có thể thấy là việc hoàn trả mặt bằng khá chậm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và công tác đảm bảo an toàn thi công chưa tốt, nhất là nhiều hố ga, cống thu nước mưa, nước thải để lộ thiên, không che chắn tiềm ẩn mối nguy an toàn giao thông…
Đó có thể chỉ là một trong vài ảnh hưởng từ các công trình có vốn đầu tư công có thể do chậm tiến độ hoặc sự tắc trách, thiếu trách nhiệm từ các đơn vị nhà thầu, giám sát, quản lý… đối với đời sống người dân. Dẫu sao, những tồn tại đó vẫn có thể nhanh chóng được khắc phục. Song, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Một công trình được giải ngân đầy đủ phải đảm bảo hoàn tất các công đoạn từ thi công đến hoàn trả mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ hoàn công, tất nhiên là phải có giám sát thực tế từ các đơn vị liên quan và cộng đồng. Nếu tắc ở một trong các khâu đó thì hồ sơ hoàn công sẽ không được thông qua. Nếu thế, việc giải ngân vốn sẽ khó có cơ sở để thực hiện.
Điều này cũng được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui trong trả lời ở phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây chỉ ra. Theo ông Nguyễn Đại Vui, một trong những lý do các dự án đầu tư công chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng nữa còn đến từ năng lực các nhà thầu, kể cả chủ đầu tư dự án. Lâu nay, dù nhà thầu hoặc chủ đầu tư dự án chậm triển khai hoặc để dự án chậm tiến độ nhưng chưa bị xử lý. Do vậy, cần gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư vào từng dự án với các cam kết cụ thể về tiến độ và có kiểm tra tiến độ theo đăng ký để có cơ sở xử lý khi để xảy ra chậm tiến độ hoặc khen thưởng khi thực hiện tốt, vượt tiến độ… Bên cạnh đó, công tác xử lý với các dự án chậm tiến độ cũng cần quyết liệt hơn. Cần thiết phải chuyển vốn sang dự án, chủ đầu tư khác. Có như vậy mới tạo động lực (đối với dự án có tiến độ tốt) và đủ sức răn đe, chế tài phù hợp với các dự án chậm tiến độ do lỗi chủ quan.
Đó cũng là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vừa diễn ra đầu tháng 8 tại Hà Nội.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ